Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội và Tp.Hồ Chí Minh kiểm soát nghiêm ngặt “vùng đỏ”

Sự kiện
12:19 PM 21/08/2021

Chiều 20/8, Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 đến 6h ngày 6/9. Cũng trong chiều qua, Tp.Hồ Chí Minh đã chủ trương thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội và Tp.Hồ Chí Minh kiểm soát nghiêm ngặt “vùng đỏ” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu tại cuộc họp với báo chí chiều 20/8

Tại cuộc họp với báo chí chiều 20/8, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết: Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý với đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đến 6h ngày 6/9/2021.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, đã gần 30 ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhằm tranh thủ "thời gian vàng" để bóc tách các F0 ra cộng đồng, từng bước khống chế dịch bệnh. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đứng trước nhiều nguy cơ do vẫn còn F0 trong cộng đồng, dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam còn nghiêm trọng, một số mục tiêu của việc giãn cách chưa đạt được và lượng người ra đường vẫn còn đông.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Mục tiêu của đợt giãn cách này là nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đẩy mạnh tiêm chủng, nâng cao năng lực y tế Thủ đô và hoàn thiện các nội dung, công việc đã bộc lộ những hạn chế trong thời gian giãn cách vừa qua.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội và Tp.Hồ Chí Minh kiểm soát nghiêm ngặt “vùng đỏ” - Ảnh 2.

Cuộc làm việc của Tổ Công tác đặc biệt Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 với Tp.Hồ Chí Minh chiều 20/8

Cũng trong chiều 20/8, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo TPHCM về triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp tối 19/8 nhằm thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

Cuộc làm việc đã bàn bạc rất kỹ cách tổ chức, phối hợp các lực lượng thực hiện nhiệm vụ làm sao bảo đảm giãn cách nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân mọi lúc, mọi nơi.

Từ ngày 23/8, Tp. Hồ Chí Minh chủ trương kiểm soát nghiêm ngặt "vùng đỏ", người dân phải bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp, phường/xã/thị trấn cách ly phường/xã/thị trấn. Theo đó, Thành phố dự kiến các mặt hàng thiết yếu theo giá trị dinh dưỡng, từ đó tính cụ thể, chi tiết số lượng hàng hóa (gạo, đường, nước mắm, dầu ăn...) mỗi ngày.

Trên tinh thần "chống dịch phải an dân", Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân nói riêng, công tác an sinh xã hội nói chung. Các hành động vào cuộc phải tương xứng với biện pháp, mục tiêu đã đề ra. Toàn hệ thống chính trị của Thành phố sẽ tập trung chống dịch với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các bộ, ngành Trung ương, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để chống dịch (xét nghiệm, bóc tách F0, quản lý điều trị F0 tại nhà, tổ chức tiêm vaccine…) hiệu quả.

Cùng với chống dịch, ông Nguyễn Văn Nên lưu ý việc an dân qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt phải hỗ trợ đầy đủ, "không bỏ sót bất cứ ai", nhất là người khó khăn, không có điều kiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại phương châm "Rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả" ngay từ những ngày đầu TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong thời gian tới, Thành phố phải tiếp tục quán triệt phương châm này trong thực hiện giãn cách xã hội, chú ý bảo đảm vấn đề an sinh như ăn ở, y tế… cho người dân.

Với việc tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế… hỗ trợ Thành phố chống dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu, các hoạt động phối hợp, hiệp đồng tác chiến phải thống nhất cụ thể, chi tiết. Đơn cử, Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế thống nhất lực lượng tối cần thiết phải ra đường làm nhiệm vụ. Lực lượng này phải được tiêm vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không mắc COVID-19 và không lây nhiễm cho người khác.

Lưu Đoàn
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.