Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn

Xã hội
07:00 AM 26/06/2020

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong khu vực diễn biến phức tạp, TP Hà Nội đã kiếm soát dịch thành công và tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư với sự tham dự của khoảng hơn 1.800 đại biểu, trong đó có 1.200 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều đó khẳng định Hà Nội là điểm đầu tư an toàn.

    Nhiều dự án an sinh xã hội đã đi vào hiện thực

    Ngày 27-6, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và phát triển”. Đây là hội nghị quan trọng trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Thông tin về Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng  UBND TP Hà Nội cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, TP với Thủ đô Hà Nội để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 và cho các năm tiếp theo. Đồng thời để thiết thực chào mừng kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII.

    Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: TP Hà Nội luôn tạo điều kiện tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh P.C

    Tại Hội nghị này, TP Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD). Dự kiến lãnh đạo TP sẽ ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, DN, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD...

    UBND TP cũng công bố tại hội nghị Danh mục 282 dự án xúc tiến kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư cụ thể: 151 dự án công nghiệp, thương mại dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội; 9 dự án môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; 5 dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài).

    Ông Trương Việt Dũng, PGĐ Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết: Qua 3 lần tổ chức Hội nghị (từ 2016-2019), TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hà Nội đã trao tổng số 148 dự án với tổng giá trị 514.208 tỷ đồng.

    Cũng theo ông Dũng, các hội nghị này đã ký kết văn bản an sinh xã hội trong nhiều lĩnh vực như: Hỗ trợ trồng cây, hoa anh đào, thiết bị giáo dục, mua tặng xe, thiết bị inox, vòi nước cho các đơn vị. Tổng số giá trị trong các văn bản cam kết là 34 văn bản cam kết. Đến thời điểm này 85% đã hoàn thiện xong, còn lại 15% còn phải qua lộ trình, giai đoạn. Các dự án xã hội đã được các nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trách nhiệm với TP. Bên cạnh đó các Sở, ngành, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, các nhà hỗ trợ để triển khai trên địa bàn.

    Bên cạnh đó, trong 3 hội nghị TP đã Ký kết 38 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), trong đó có 30 MOU liên quan đến dự án đầu tư. Đến giờ này khoảng 60% các MOU đã chuyển hóa thành hiện thực (đã được trao quyết định chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư cũng như đang thực hiện thủ tục để triển khai dự án), còn 40% đang hỗ trợ để hoàn thiện nốt thủ tục do nhà đầu tư tính toán về tài chính, cân đối dòng tiền... Lãnh đạo TP và các Sở, ngành đã chỉ đạo triển khai để giúp nhà đầu tư sớm đưa các MOU vào hiện thực.

    Thông điệp mạnh mẽ từ hội nghị

    PGĐ Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, hội nghị lần này Hà Nội gửi gắm 3 thông điệp. Thứ nhất, đây là hội nghị tổ chức sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Hà Nội thể hiện thông điệp mạnh mẽ, niềm tin với nhà đầu tư rằng Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn để nhà đầu tư tin tưởng trong bối cảnh hiện nay;

    Thứ 2, hội nghị tiếp tục là nơi gặp gỡ với các nhà đại sứ, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư khi sang Việt Nam thực hiện các thủ tục liên quan đến phòng dịch theo quy định mà vẫn tiếp tục tham dự hội nghị này, thể hiện Hà Nội tiếp tục là điểm đến quan trọng, an toàn cũng như có môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.

    Qua hội nghị này, Hà Nội tiếp tục là TP tiên phong trong thực hiện khôi phục kinh tế thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch bệnh.

    Khẳng định Hà Nội luôn tạo điều kiện tiếp đón các đoàn nước ngoài, kể cả ngoại giao lẫn đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ: Sự điều hành, hoạt động, thu hút, chuẩn bị đầu tư và đầu tư luôn được TP chú trọng quan tâm. Ý nghĩa hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển rất quan trọng. Hà Nội mạnh mẽ, tiên phong, quyết liệt chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ kép. Trong 6 tháng đầu năm Hà Nội phát triển 3,39%; nông nghiệp quý 1 âm 1,17%, đến quý 2 đã tăng lên 3,59% cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của TP Hà Nội tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội gấp 3 lần cả nước. “Thế giới dự kiến hết 2020, kinh tế toàn cầu có thể âm hoặc bằng 0, Việt Nam cố gắng dương, Hà Nội tiên phong đi đầu phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Hội nghị Hà Nội 2020 hợp tác đầu tư và phát triển này hết sức quan trọng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

    Về đầu tư nước ngoài, TP luôn kêu gọi tiếp tục đầu tư nước ngoài. Làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ chuyển hướng, nhất là về những nước ổn định và có sự phát triển như Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Các nước đang bị giãn cách xã hội lại đầu tư rất ít nên Hà Nội là môi trường rất ổn định…

    Qua hội nghị, TP Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020. Đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 ở mức 285.000 tỷ đồng.

    Phong Châu
    Ý kiến của bạn
    Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

    Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.