Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả văn hóa đọc trong cộng đồng

Văn hóa
04:02 PM 12/11/2020

UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 324/BC-UBND về tổng kết đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả văn hóa đọc trong cộng đồng

Triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm và hiệu quả các kế hoạch triển khai.

Sau gần 4 năm triển khai đề án, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc tuyên truyền, lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn. 

Trong đó, đáng chú ý, thành phố tích cực duy trì và phát triển mạng lưới thư viện quận, huyện và cơ sở; tăng cường các hoạt động luân chuyển sách về tủ sách cơ sở, về các chi hội người khiếm thị, phục vụ thư viện lưu động tới các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc các huyện ngoại thành... nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Hằng năm, Ngày Hội sách Hà Nội được tổ chức và trở thành một hoạt động có ý nghĩa không chỉ tôn vinh văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa, xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là dịp để ôn lại truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả văn hóa đọc trong cộng đồng - Ảnh 1.

Hà Nội tiếp tục phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Ảnh: PLXH

Song song tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc…, thành phố cũng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm. 

Đặc biệt, 100% vốn tài liệu của Thư viện thành phố được cập nhật trên cơ sở dữ liệu; thực hiện sản xuất sách nói cho người khiếm thị: 76 tên sách (19.347 trang), 304 đĩa CD; biên soạn 79 thư mục, gồm thư mục sách mới, thư mục chuyên đề, thư mục sách phục vụ Hội thi “Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè”; xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn: 1.841 tên sách (164.760 trang).

Thành phố vẫn duy trì, phát triển mạng lưới thư viện, tăng cường hoạt động luân chuyển sách, báo đến cơ sở, phục vụ sách lưu động tại các điểm trường, đặc biệt chú trọng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện, thành phố có 91 thư viện công cộng, 1.076 thư viện cộng đồng, phòng đọc cơ sở, thư viện tư nhân. Riêng năm 2020, các thư viện đã phục vụ hơn 1,8 triệu lượt bạn đọc, với hơn 3,5 triệu lượt sách, báo.

Không chỉ có vậy, thành phố cũng mở rộng hợp tác quốc tế, đơn cử trong lĩnh vực xuất bản, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam tại Hội chợ sách quốc quốc tế Frankfurt (Cộng hòa liên bang Đức). 

Quy mô tổ chức, số lượng các đơn vị xuất bản tham gia và các hoạt động tại Hội chợ sách của Hà Nội ngày càng tăng và đi vào chiều sâu…

Từ những kết quả đạt được, UBND thành phố cũng đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tiếp theo. 

Thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động thư viện truyền thống, đẩy mạnh phát triển thư viện theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của người sử dụng thư viện. Tăng cường các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đề ra các giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Hoài Anh
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.