Hà Nội: Tìm giải pháp công nghệ trong nông nghiệp thông minh

Diễn đàn
10:18 AM 26/09/2023

TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) cho rằng, dù tiềm năng rất lớn nhưng đến nay Hà Nội chưa đạt được các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh.

Chiều 25/9, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp công nghệ trong nông nghiệp thông minh".

TS Lê Xuân Rao cho biết, Chương trình số 07-Ctr/TU, ngày 17/3/2021 về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" của Thành ủy Hà Nội đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025.

Tìm "Giải pháp công nghệ trong nông nghiệp thông minh" trong nông nghiệp ở Hà Nội - Ảnh 1.

TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) cho rằng Hà Nội cần có cơ chế chính sách gì để giải quyết điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ thông minh. Ảnh: Hà Anh

Cụ thể, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, trong đó ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Các chỉ tiêu Chương trình số 07 đề ra về tăng năng suất lao động, về phát triển kinh tế số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đều phải dựa trên khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Hà Nội đã đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất nhiều, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao.

"Hà Nội phấn đấu năm 2024 bắt đầu nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông minh. Tiềm năng về khoa học công nghệ của Hà Nội rất lớn, tuy nhiên Hà Nội lại áp dụng công nghệ trong nông nghiệp thông minh ít hơn một số địa phương. Tính đến nay, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh của Hà Nội đều chưa đạt được. Hà Nội cần có cơ chế chính sách gì để giải quyết điểm nghẽn trong lĩnh vực này là câu hỏi cần được giải đáp", ông Rao nói.

Tìm "Giải pháp công nghệ trong nông nghiệp thông minh" trong nông nghiệp ở Hà Nội - Ảnh 2.

Hà Nội muốn phát triển nông nghiệp thông minh cần phải có các giải pháp, cơ chế chính sách đẩy mạnh đầu tư

Chia sẻ về vai trò và giải pháp nông nghiệp đô thị thông minh trong phát triển sản xuất rau, hoa và cây cảnh trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau Quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phát triển sản xuất rau, hoa là rất cần thiết. Thực tế đã chứng minh, các mô hình ứng dụng công nghệ cao do Viện chuyển giao đã và đang phát huy hiệu quả, đang có nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân đến học tập nhân rộng mô hình. Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để ứng dụng nông nghiệp thông minh nhưng hiện vẫn loay hoay với những cơ chế, chính sách và những khoản đầu tư chưa tới.

"Mỗi héc ta trồng lan hồ điệp phải đầu tư 30 tỷ đồng mà chỉ hỗ trợ 300 triệu đồng thì rất khó cho doanh nghiệp. Tại Hải Dương, cơ chế chính sách rất rõ, hỗ trợ 50% đầu tư nhà lưới, nhà kính cho doanh nghiệp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy. Hà Nội muốn phát triển nông nghiệp thông minh cần phải có các giải pháp, cơ chế chính sách đẩy mạnh đầu tư", ông Đông nhấn mạnh.

Tìm "Giải pháp công nghệ trong nông nghiệp thông minh" trong nông nghiệp ở Hà Nội - Ảnh 3.

Công ty Rạng Đông giới thiệu ứng dụng công nghệ chiếu sáng vào trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Đông, để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình, chuyển giao cho sản xuất, những mô hình, quy trình đã phát huy hiệu quả, Viện rất cần Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, các ban ngành của Hà Nội có những chính sách khuyến khích thúc đẩy chương trình này hơn nữa.

Theo PGS.TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Liên minh Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam (VDECA), để từng bước có giải pháp cho vấn đề quản lý chất lượng nông sản, VDECA đã tham gia cung cấp dịch vụ công nghệ số eGap và eGap.vn; tham gia quản lý, giám sát các vùng trồng nguyên liệu.

VDECA cũng đã tạo ra ngôi nhà chung cho cộng đồng hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp (Phần mềm quản trị sản phẩm eGap & Cổng eGap.vn; quản trị và kế toán điện tử doanh nghiệp MISA; thời tiết thông minh WeatherPlus, makerting và mua bán trực tuyến trên nền tảng ViBOOK). Là đơn vị tư vấn, hỗ trợ kết nối các các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước chuyển đổi số, gia tăng hiệu quả kinh tế số.

Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đề xuất thành phố Hà Nội và các tỉnh thành cả nước đưa eGap và eGap.vn chính thức tham gia vào Chương trình thí điểm ứng dụng khuyến nông số quốc gia, quản lý mã vùng nguyên liệu. Tạo căn cứ pháp lý, có chế tài ứng dụng cho các loại nông sản được Nhà nước đầu tư hỗ trợ, các loại nông sản đủ điều kiện quản lý chất lượng.

"Cần có chế tài ứng dụng giải pháp thay cho quản lý hồ sơ cơ sở và nhật ký giấy thủ công bằng eGap.vn. Có chương trình khuyến nông chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho vùng nuôi trồng và sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ban quản lý dự án cần sớm hướng dẫn cho các bên tham gia soạn thảo chi tiết các tiểu mục ứng dụng và thực hiện sau khi được phân công", ông Vinh khuyến nghị.

Đại diện Hợp tác xã hoa Đan Hoài cho biết, trong quá trình tiếp nhận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn vốn để đầu tư cải tiến, bảo dưỡng thiết bị, thiếu công nghệ phù hợp. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ. Do đó, Hợp tác xã kiến nghị cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, phải thực sự coi trọng vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã giới thiệu về hệ sinh thái chuyển đổi số ngành nông nghiệp, kết quả nghiên cứu và ứng dụng gói chuyển đổi số nông nghiệp thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp tại Việt Nam; đưa ra kết quả ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm tại một số mô hình điển hình.

Thanh Thủy
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.