Hà Nội: Tìm giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Trong quý IV, các đơn vị tập trung cao độ để giải ngân 100% kế hoạch năm 2023 kéo dài sang, và phấn đấu giải ngân đạt kế hoạch năm 2024 như đã cam kết để tỷ lệ giải ngân chung của toàn thành phố Hà Nội đạt mức cao nhất.
Tại tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" vào chiều 28/10/2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công Trung ương giao năm 2024 cho TP. Hà Nội là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,72 lần so với năm 2023.
Tính đến ngày 25/10, tỷ lệ giải ngân của Hà Nội khoảng 42% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân của thành phố đến nay thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, tuy nhiên, về giá trị giải ngân tuyệt đối đứng thứ 2 cả nước (sau Bộ Giao thông vận tải) và cao hơn 25,4% cùng kỳ năm 2023 (là 25.059 tỷ đồng).
Hà Nội cũng là địa phương có nhiều dự án trọng điểm quốc gia cần phải được giải ngân nhanh nên ngay từ đầu năm và trong suốt thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Để đưa tỷ lệ giải ngân tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2024, ông Vũ Duy Tuấn chia sẻ, qua theo dõi, thành phố đã nhận diện các khó khăn, vướng mắc và tập trung chỉ đạo, điều hành thúc đẩy giải ngân trong các tháng cuối năm để phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Theo đó, trong quý IV, thành phố yêu cầu các đơn vị phải tập trung cao độ để giải ngân 100% kế hoạch năm 2023 kéo dài, và phấn đấu giải ngân kế hoạch năm 2024 như đã cam kết để tỷ lệ giải ngân chung của toàn thành phố đạt mức cao nhất.
Các chủ đầu tư phải rà soát đến từng dự án; xây dựng kế hoạch triển khai, giải ngân theo từng tuần, từng tháng để kịp thời đôn đốc các nhà thầu, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Xác định khó khăn, vướng mắc cụ thể và có giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt là các đơn vị, các dự án có kế hoạch vốn lớn.
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường giao ban, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với cả dự án cấp huyện và dự án cấp thành phố do các ban quản lý dự án của thành phố làm chủ đầu tư. Đồng thời, thành phố cũng đề nghị lãnh đạo các huyện ủy quan tâm, lãnh đạo, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng.
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục có các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất tạo nguồn lực cho Kế hoạch Đầu tư công năm 2024.
Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý đầu tư công của thành phố sẽ thường xuyên tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, kịp thời báo cáo UBND thành phố. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục trao đổi, gửi kết quả theo dõi, đánh giá của sở tới các đơn vị, hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của sở.
Cũng tại Tọa đàm, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết, tính đến ngày 31/10, ước giải ngân đầu tư công là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với kết quả này, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều.
Có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Còn 29/44 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước... Đặc biệt, một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như TP. HCM (19,63%), Phú Yên (24,63%), Kon Tum (27,45%), Quảng Ngãi (27,98%)
Cùng với đó, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung 9 tháng của cả nước (47,1% so với số giải ngân 9 tháng của cả nước là 45,27%), nhưng tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.
Minh AnThành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.