Hà Nội: Tín dụng 7 tháng năm 2024 tăng 8,84%
Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội đạt 3.937 nghìn tỷ đồng, tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 8,84% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, ước đến cuối tháng 7/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP. Hà Nội ước tính đạt 5.436 nghìn tỷ đồng, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 1,87% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Trong đó, tiền gửi đạt 4.821 nghìn tỷ đồng, tăng 1,61% và tăng 3,22%; phát hành giấy tờ có giá đạt 615 nghìn tỷ đồng, tăng 0,18% và giảm 7,6%.
Bên cạnh đó, đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.937 nghìn tỷ đồng, tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 8,84% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.682 nghìn tỷ đồng, tăng 1,38% và tăng 11,76%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.255 nghìn tỷ đồng, tăng 0,93% và tăng 6,77%.
Tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 2,1% trong tổng dư nợ. Các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Ngoài ra, tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn được đảm bảo.
Đối với dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố, trong đó cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 14,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,9%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.
Thực hiện chỉ đạo và định hướng điều hành của NHNN, các TCTD trên địa bàn tiếp tục chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng.
NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3-9,5%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,6%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Chi nhánh chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc TCTD trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Chỉ đạo TCTD thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Theo dõi tình hình, kết quả thực hiện các chương trình của TCTD, chủ động giải đáp, xử lý khó khăn vướng mắc phát sinh...
Minh AnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.