Hà Nội tổ chức 2 đoàn giám sát về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Địa phương
04:03 PM 10/05/2023

Theo dự kiến từ ngày 15 - 30/5/2023, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 2 Đoàn giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thuộc TP Hà Nội.

Đây là thông tin tại Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc TP. Hà Nội do HĐND TP. Hà Nội tổ chức ngày 9/5.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị; cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên và thành viên các Đoàn giám sát.

Hà Nội tổ chức 2 đoàn giám sát về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo Kế hoạch, ngoài lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các đại biểu, đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan, HĐND TP. Hà Nội sẽ mời nhóm chuyên gia tham dự giám sát. Thời gian giám sát dự kiến từ ngày 15/5 đến ngày 30/5/2023, tiến hành giám sát trực tiếp tại trụ sở các đơn vị thuộc diện được giám sát.

Nội dung giám sát sẽ tập trung đánh giá công tác cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông; Cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công.

Về xây dựng chính quyền điện tử, đoàn sẽ tập trung giám sát kết quả về tiêu chí, tính kịp thời, đầy đủ theo quy định của Trung ương, kế hoạch đã xây dựng của TP.

Đối với nội dung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, đoàn giám sát tập trung vào kết quả, tiến độ của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin báo cáo, việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP.

Việc giám sát này sẽ làm rõ kết quả, tiến độ việc thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu quản lý ngành theo kế hoạch của thành phố như trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, giáo dục, y tế, lao động, thương binh và xã hội, dân cư và việc thực hiện triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc thực hiện công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội là nội dung lớn, quan trọng, phức tạp, được lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND cũng như các sở, ngành thành phố rất quan tâm. Vì vậy, khi chọn các nội dung này HĐND thành phố đã bàn bạc kỹ và đưa ra kỳ họp HĐND thành phố để ban hành Nghị quyết triển khai.

Với Đoàn giám sát, công tác chuẩn bị được tiến hành kỹ lưỡng, đây là cơ sở để kết quả giám sát ngày càng tốt hơn. Trong đó, thống nhất với các đơn vị được giáo sát về đề cương nhằm đánh giá đúng trọng tâm, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai này theo đúng tinh thần Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội” và Nghị quyết số 594/NQ ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND.

Chủ tịch HĐND thành phố lưu ý các đơn vị chịu giám sát phải chuẩn bị kỹ nội dung, đảm bảo tiến độ, chất lượng, yêu cầu của đoàn giám sát; tuyên truyền rộng rãi về hoạt động của Đoàn giám sát, để qua giám sát chỉ rõ được những kết quả đã đạt được, làm rõ những vướng mắc, nguyên nhân chủ quan và khách quan để đề xuất được giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc triển khai trong thời gian tiếp theo.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.