Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10,9%
Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 trên địa bàn ước đạt 63,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 39,6 nghìn tỷ đồng. Doanh thu bán lẻ các nhóm hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước như đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 18,3%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 15,9%; xăng, dầu tăng 14,6%; lương thực, thực phẩm tăng 13,1%; hàng may mặc tăng 11,1%; hàng hóa khác tăng 20,7%...
Doanh thu khối khách sạn, nhà hàng đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 6,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 22,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 11,1%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 313,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng mức và tăng 10,9% (lương thực, thực phẩm tăng 11,1%; doanh thu nhiên liệu tăng 11%; xăng dầu tăng 10,1%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,1%; hàng may mặc tăng 8,4%; ô tô con tăng 8,3%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,9%; hàng hóa khác tăng 18,4%).
Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 65,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,2% và tăng 10% (dịch vụ lưu trú tăng 21,2%; dịch vụ ăn uống tăng 8,9%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,5% và tăng 76,3%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,9% và tăng 6,6%. Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 của Hà Nội đạt 1.436 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 846 triệu USD, lần lượt tăng 9,7% và giảm 5,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 590 triệu USD, giảm 5,1% và giảm 23,4%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 10,8 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,1 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giảm 0,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,7 tỷ USD, giảm 9,4%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 8 tháng năm 2023 ước thực hiện 282.000 tỷ đồng, đạt 79,9% dự toán pháp lệnh năm và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Để có được kết quả trên, TP Hà Nội đã thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân; tập trung chỉ đạo quyết liệt cân đối nguồn cung, cầu xăng dầu trên địa bàn trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế, góp phần tích cực cho tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, thị trường nội địa đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Do đó, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng được ở mức 2 con số. Tính chung 8 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 4.043 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước
Đáng chú ý, hiện thị trường trong nước đã tổ chức được những mạng lưới để cung ứng hàng hóa đến 100 triệu người dân Việt Nam như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, có Tết Nguyên đán nhưng chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát và chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cho nhu cầu của người dân Việt Nam.
Mức tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ giữ được từ nay đến cuối năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9%/năm như Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương.
Huyền MyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.