Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1%

Địa phương
11:33 AM 04/07/2025

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội đạt 455,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Sáu, một số chính sách mới về thuế có hiệu lực nhằm minh bạch và hiện đại hóa hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ, đồng thời TP Hà Nội đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nên một số cửa hàng kinh doanh không đủ điều kiện đã tạm thời dừng hoạt động. 

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 75,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 46,8 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% và tăng 10,8%; doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% và tăng 10,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% và tăng 14,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% và tăng 6,1%.

Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1%- Ảnh 1.

Ước tính quý II/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 228,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với quý trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 0,8% và tăng 11,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 4,3% và tăng 13,9%; du lịch lữ hành tăng 10,3% và tăng 19,1%; dịch vụ khác tăng 1,7% và tăng 5,3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 455,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 289,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,7% tổng mức và tăng 12,1% (đá quý, kim loại quý tăng 24,7%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,7%; ô tô con tăng 12%; hàng may mặc tăng 11,5%; xăng dầu các loại tăng 11,4%; nhiên liệu khác trừ xăng dầu tăng 11,4%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 11,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,2%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,4%; hàng hóa khác tăng 14,2%). 

Doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 60,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,3% và tăng 15,7% (dịch vụ lưu trú tăng 20,5%; dịch vụ ăn uống tăng 15,1%). 

Doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,5% và tăng 20,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 88,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,5% và tăng 8,6% (dịch vụ hành chính, hỗ trợ và nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 11,4%; giáo dục và đào tạo tăng 8,9%; kinh doanh bất động sản tăng 8,9%; y tế và trợ giúp xã hội tăng 7,1%).

Đáng chú ý, du lịch giữ vai trò là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và quan trọng hàng đầu của Thủ đô. Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, chỉ riêng quý II/2025, Thủ đô đã đón gần 1,87 triệu lượt khách, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách đạt gần 3,7 triệu lượt. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt hơn 2,63 triệu lượt, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2024. 

Những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, nhiều quốc gia có mức tăng trên 20%, cá biệt Pháp tăng tới 39,3%. Lượng khách nội địa cũng tăng trưởng bền vững với hơn 1 triệu lượt trong 6 tháng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Hà Nội đang chỉ đạo Sở Du lịch, các địa phương nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách lưu trú, đặc biệt là đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan cảnh quan, di tích lịch sử, các làng nghề và ẩm thực. Thành phố khuyến khích các làng nghề sản xuất sản phẩm làm quà lưu niệm; các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm OCOP đạt chất lượng sạch. Thành phố đầu tư cơ sở vật chất, công nhận nhiều điểm trở thành khu, điểm du lịch.

Đến cuối tháng Sáu, trên địa bàn Hà Nội có 3.761 cơ sở lưu trú với gần 71,3 nghìn phòng, trong đó có 23 khách sạn và 7 khu căn hộ xếp hạng 5 sao; 16 khách sạn và 1 khu căn hộ xếp hạng 4 sao; 12 khách sạn 3 sao; 14 khách sạn 2 sao và 12 khách sạn 1 sao. Số cơ sở lưu trú chưa đăng ký xếp hạng là 3.676 cơ sở lưu trú với 59,3 nghìn phòng.

Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. 

Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút lượng lớn du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Tạm dừng đón khách một số di tích tại phố cổ Hà Nội Tạm dừng đón khách một số di tích tại phố cổ Hà Nội

Nhằm phục vụ tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp các công trình di sản, đảm bảo an toàn cho du khách và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của khu phố cổ, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội yêu cầu tạm dừng đón khách tham quan tại một số điểm di tích.