Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2,8%
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP trong tháng 4 ước tính đạt 54.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35.800 tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 5,4%; khách sạn, nhà hàng đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 4,7% và tăng 16,9%; du lịch lữ hành đạt 531 tỷ đồng, tăng 6% và tăng 57,8%; dịch vụ khác đạt 12.500 tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 10,4%.
Do dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trên địa bàn TP, người dân Thủ đô thực hiện thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới, các điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn có nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách đến khá đông.
Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục cho phép mở cửa trở lại nhiều hoạt động như dịch vụ karaoke, massage, trò chơi điện tử, quán bar… sau một thời gian dài tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch, góp phần tạo đà phục hồi tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 54.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4, một số nhóm hàng bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ: Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 18,3%; đá quý và kim loại quý tăng 16,7%; xăng, dầu tăng 15,5%; hàng may mặc tăng 11,4%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10%. Hoạt động vận tải hàng hóa tiếp tục tăng khá, đáp ứng nhu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tính chung 4 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 374 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 41,9%.
Đáng chú ý, kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 4 ngày (từ ngày 30/4 đến 3/5/2022), đồng thời đây cũng là dịp khai trương mùa du lịch tại nhiều địa phương nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Các đơn vị vận tải đã tích cực tăng cường phương tiện, nhân lực phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, trong đó: Công ty cổ phần bến xe Hà Nội đã bố trí thêm gần 800 xe tăng cường tại các bến xe từ chiều 29/4 đến hết ngày 30/4/2022.
Ngành đường sắt tăng cường thêm 30 đoàn tàu khách từ Hà Nội đi các ga Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và ngược lại; trên tuyến Bắc - Nam tăng cường thêm nhiều đoàn tàu từ ga Hà Nội đi các tỉnh. Các hãng hàng không tăng thêm tần suất bay trên các đường bay trọng điểm như: Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Cam Ranh, Hà Nội - Phú Quốc và Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo; đồng thời chủ động bố trí tăng các chuyến bay tối muộn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ.
Khách quốc tế (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 4 ước tính đạt 37.000 lượt khách, gấp 2,1 lần tháng trước và tăng 66,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 85.000 lượt khách, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 4 ước tính đạt 100.000 lượt khách, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, khách trong nước đến Hà Nội đạt 381.000 lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, thành phố còn tích cực chuẩn bị Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022, chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” với quy mô lớn gồm khu không gian chung được thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội; khu gian hàng với 80 quầy giới thiệu đặc sản địa phương... Đây cũng là cơ hội để quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tới bạn bè, du khách quốc tế nhân dịp Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh lân cận./.
HM (T/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.