Hà Nội: Triển khai hộ đê, xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 11/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Công điện nêu, theo dự báo, lũ trên các tuyến sông còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều.
Thực hiện Công điện số 93/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP theo địa bàn phụ trách trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo phương chậm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các địa bàn trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó, phải bảo đảm an toàn cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các lực lượng quân đội trên địa bàn chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để chủ động, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các quận, huyện, thị xã thực hiện cứu hộ, cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông đường thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, lãnh đạo chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.
Thương HuyềnTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.