Hà Nội: Triển khai nhiều gói an sinh xã hội “tiếp sức” người nghèo vượt qua dịch bệnh

Xã hội
06:06 PM 27/08/2021

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với phương châm "càng khó khăn, càng phải quan tâm an sinh phúc lợi, chính sách xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần", TP. Hà Nội đã triển khai nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội được đánh giá là những quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.

Mỗi ngày qua, Hà Nội lại thêm hàng trăm lượt người phải thực hiện cách ly y tế, việc giãn cách xã hội ngày càng nghiêm ngặt hơn. Lực lượng tuyến đầu đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm.

Cán bộ y tế, lực lượng công an, quân đội và cả những tình nguyện viên đang miệt mài làm việc bằng cả tấm lòng nhân ái, với sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, xung phong đến nơi nguy hiểm hỗ trợ cộng đồng…

Cùng với đó là hàng ngàn cán bộ ở cơ sở đang vất vả ngày đêm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để giám sát, điều tra dịch tễ và truy vết.

Nhưng đặc biệt hơn cả, trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4 này, rất nhiều người dân đang bị COVID-19 "quét" đi công việc và thu nhập,… nên đời sống của họ đang trở nên vô cùng khó khăn.

Sự khốn khó của các hộ gia đình khi lâm vào cảnh sống thiếu thốn đang hiển hiện rất thực tế. Người dân không chỉ phải đối mặt với những khó khăn từ việc phải lo cái ăn hàng ngày, mà còn đó nỗi lo phải trả tiền nhà trọ, thanh toán các chi phí sinh hoạt khác...

Hà Nội triển khai nhiều gói an sinh xã hội “tiếp sức” người nghèo vượt qua dịch bệnh - Ảnh 1.

Người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Thường trực HĐND Thành phố.

Trong bối cảnh khó khăn này, với phương châm "càng khó khăn, càng phải quan tâm an sinh phúc lợi, chính sách xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần" như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TP Hà Nội đã triển khai nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội được đánh giá là những quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.

HĐND TP Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đây là những chính sách đặc thù, được ban hành kịp thời để hỗ trợ nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đó là Nghị quyết số 15/NQ-HĐND "quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19"; Nghị quyết số 17/NQ-HĐND "quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội"; Nghị quyết số 16/NQ-HĐND "hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19:…

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến cuối ngày 26/8/2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội có thêm nhiều trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội theo quy định của Trung ương và Thành phố.

Hà Nội triển khai nhiều gói an sinh xã hội “tiếp sức” người nghèo vượt qua dịch bệnh - Ảnh 2.

Huyện Gia Lâm trao hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hiện nay, toàn thành phố có gần 1,57 triệu người có quyết định thụ hưởng các chính sách với kinh phí gần 292 tỷ đồng. Các đơn vị, địa phương đã chi hỗ trợ với số tiền gần 252 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, đa số người có quyết định hỗ trợ đã được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ.

Nổi bật là toàn thành phố có gần 1,48 triệu người hưởng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng kinh phí hơn 101 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đã có gần 3.900 người được thụ hưởng với số tiền hơn 28 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương có hơn 5.600 lao động thụ hưởng với kinh phí hơn 22 tỷ đồng. Đặc biệt, nhóm lao động tự do có gần 72.000 người có quyết định hỗ trợ với số tiền gần 108 tỷ đồng, trong đó có hơn 52.000 người đã nhận tiền, với số tiền hơn 78 tỷ đồng...

Toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ đặc thù cho 282.552 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 282,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021, của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về việc quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến nay, các địa phương đã thực hiện chi trả cho 282.002 người, hộ gia đình với số tiền hơn 282 tỷ đồng.

Hà Nội triển khai nhiều gói an sinh xã hội “tiếp sức” người nghèo vượt qua dịch bệnh - Ảnh 3.

Đại diện Quận ủy Long Biên thăm, tặng quà các hộ dân trong xóm trọ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại phường Ngọc Thụy.

Phát huy tinh thần nhân ái, sẻ chia, dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ thành phố tới cơ sở và các ngành, đoàn thể, địa phương đã hỗ trợ cho gần 437.000 lượt người, hộ gia đình với số tiền 138 tỷ đồng.

Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hỗ trợ gần 145.000 suất quà cho các đối tượng, hộ gia đình khó khăn với số tiền hơn 43 tỷ đồng và phân bổ 150 tấn nhu yếu phẩm, rau, củ, quả tiếp nhận được về các quận, huyện.

Các cấp Công đoàn chăm lo, hỗ trợ cho hơn 60.000 lượt đoàn viên, người lao động khó khăn với tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ thành phố đã huy động nguồn lực tặng 43.000 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 10,6 tỷ đồng...

Thông qua các chính sách chung và đặc thù, đến thời điểm này, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ về nguồn lực, chính sách an sinh xã hội cho khoảng 2,3 triệu lượt người dân, người lao động trên địa bàn.

Cần thấy rằng, trong giai đoạn và bối cảnh đầy biến động này, chính quyền thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các giải pháp hỗ trợ công nhân, người lao động, người dân có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội… Bởi khi con người là trung tâm, sẽ tạo được xung lực tích cực mới để kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34%

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tháng 3/2024 đã tăng trở lại sau 2 tháng đầu năm giảm do yếu tố quy luật. Tính đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.