Hà Nội triển khai nhiều ứng dụng chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh
Công tác chuyển đổi số của Hà Nội đã tạo những bước đột phá từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính quyền, người dân. Việc này thể hiện rõ nét ở việc phát triển các ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP), nền tảng đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành.
Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố trên VneID, Cấp lý lịch tư pháp trên VneID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng.
Với ứng dụng VneID, trong vòng hơn 1 tháng triển khai thực hiện, đã có 8.000 lượt công dân thực hiện yêu cầu cấp lý lịch tư pháp qua VNeID, đã có 78,6% số yêu cầu cấp phiếu được thực hiện qua VNeID. Việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID là tiền đề cho việc chuyển đổi và sử dụng tài khoản VNeID mức độ 2 là tài khoản duy nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bắt đầu áp dụng từ 1/7/2024.
Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt tại 57 điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố. Kết quả đã có 79,9% lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Để triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, thành phố đã thực hiện thí điểm triển khai quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Bên cạnh đó, một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực, trong đó một số mô hình nổi bật như: “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi trong trường học”...
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là tháo gỡ các “điểm nghẽn”; đẩy mạnh hỗ trợ để kinh tế số phát triển; tăng cường quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế…
Thành phố cũng chủ động trong tổ chức thực hiện, tham mưu báo cáo, đề xuất kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, tiêu chuẩn định mức, về dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số.
An MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.