Hà Nội: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,1% dân số
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của thành phố đạt 93,1% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) với hơn 7.736 nghìn người tham gia, tăng 0,2% so với cuối tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo kế hoạch TP Hà Nội giao năm 2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 93,5% dân số; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt 45% số người trong độ tuổi lao động, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 2%; số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 39% lực lượng lao động.
Tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của thành phố đạt 93,1% dân số (Chưa bao gồm lực lượng vũ trang) với hơn 7.736 nghìn người tham gia, tăng 0,2% so với cuối tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.988.714 người, tăng 5,48% tương đương tăng 103.355 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 5.952 người, tăng 0,30% so với 31/12/2022; chiếm 42% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHXH tự nguyện 76.759 người, tăng 19,97% tương đương tăng 12.775 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 1.744 người, tăng 2,32% so với 31/12/2022; chiếm 1,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Kết quả trên cho thấy chính sách BHXH, BHYT đã đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống.
Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh, nếu như năm 1995 có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số thì đến nay, tính đến tháng 6/2023 số người tham gia BHYT tăng lên hơn 7,7 triệu người, mở rộng diện bao phủ BHYT đạt 93,1% dân số. Năm 2023, BHXH thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao 93,5%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Theo đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, thành phố Hà Nội là nơi có số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước. Đối tượng hưởng chính sách rất đa dạng, trong đó có nhiều cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, nhiều cán bộ Lão thành cách mạng, người có công…
Nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố, các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn và sự chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam, BHXH thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng và Bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trước ngày 10 hàng tháng.
Từ năm 2003 đến nay, BHXH TP. Hà Nội đã đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định của Điều lệ BHYT và sau này là Luật BHYT. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm, nếu như năm 1995 có 1,6 triệu lượt người KCB BHYT thì đến riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có trên 4,8 triệu lượt người KCB BHYT, trong đó chi phí KCB BHYT đề nghị thanh toán là 8.512,4 tỷ đồng.
Hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính có chi phí điều trị lớn đều đã được BHXH Thành phố thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Năm 2022, ngân sách Thành phố đã hỗ trợ 44.635 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 8,2 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, ngân sách thành phố đã hỗ trợ 52.865 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 10,7 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, 5 quận, huyện đã hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách địa phương (Quỹ vì người nghèo). Tổng số người đã được hỗ trợ là 1.409 người với số tiền hỗ trợ 1,9 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 mới diễn ra gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đánh giá cao các kết quả trong công tác BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm. Theo bà Hà, việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT chính là góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Thủ đô. Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt hơn.
"Sau Hội nghị này, đề nghị các sở, ban ngành, địa phương rà soát lại chỉ tiêu, đề ra nhiệm vụ, giải pháp với từng nhóm đối tượng, xây dựng kế hoạch cụ thể cho những tháng cuối năm. Từ đó, chỉ đạo triển khai, hành động quyết liệt để đạt mục tiêu cuối cùng là hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT năm 2023 và giai đoạn 2020-2025, đảm bảo an sinh cho người dân”- bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Vũ Thu Hà, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT TP.Hà Nội sẽ trực tiếp kiểm tra đột xuất tại các địa phương, nhất là những địa phương có kết quả chưa cao để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu BHXH, BHYT đề ra.
Do đó, các đơn vị chức năng cần tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời; đồng thời thảo luận, phân tích rõ nguyên nhân, khắc phục dứt điểm từng yếu kém, tồn tại trên nguyên tắc tuân thủ đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT và ngăn chặn kịp thời những sai phạm, tình trạng trục lợi BHXH, BHYT.
Thương HuyềnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.