Hà Nội: Ưu tiên hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm

Địa phương
04:48 PM 18/12/2023

TP. Hà Nội đã và đang tập trung đầu tư dự án hoàn thiện kết nối giao thông; quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút giao thông quá tải, có tình trạng ùn tắc…

Tại kỳ họp thứ 14, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã phản ánh tình trạng giao thông đô thị trên địa bàn qua đợt giám sát tháng 11, 12. Trong đó, việc chậm triển khai quy hoạch giao thông, thiếu bãi đỗ xe; tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm chưa hiệu quả...

Cụ thể, đường sắt đô thị quy hoạch 10 tuyến với 413km, hiện nay kết quả mới thực hiện được 2 đoạn tuyến với 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch. Hệ thống xe buýt nhanh quy hoạch 11 tuyến với 316km, hiện nay mới thực hiện được 1 tuyến Cát Linh - Yên Nghĩa với 14km, đạt 4,4% quy hoạch. Thêm vào đó, công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến và nút giao thông chưa khoa học, chưa phù hợp thực tế. Việc phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham giao thông cũng còn nhiều bất cập.

Hà Nội: Ưu tiên hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm- Ảnh 1.

Hà Nội tập trung đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối. Ảnh: VGP

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, qua rà soát, các chỉ tiêu quy hoạch giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội mới thực hiện dưới 50%, đặc biệt, đầu tư các dự án đường sắt đô thị mới chỉ đạt 6,5%.

Đặc biệt về vấn đề đầu tư đường sắt đô thị, theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến khoảng 417km, trong quy hoạch dự kiến đến 2025 hoàn thành 4 tuyến, hiện mới hoàn thành được tuyến Cát Linh - Hà Đông; dự kiến 2024 hoàn thành đoạn trên cao của tuyến Nhổn - ga Hà Nội, cả 2 tuyến này cộng lại mới được khoảng 27/417km (chỉ đạt 6,5% so với quy hoạch).

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho hay, trong giai đoạn trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm triển khai. Thời gian này, thành phố Hà Nội tập trung làm dứt điểm, không dàn trải các dự án... Quan điểm là cố gắng đầu tư trọn gói dự án; kết nối giao thông giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen tai nạn, thúc đẩy kinh tế xã hội.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư cho toàn bộ nhu cầu về hạ tầng giao thông của Thành phố là khoảng 1.694.000 tỷ đồng, trong khi đó tại HĐND thành phố 2 nhiệm kỳ 2016 - 2025 mới dự kiến bố trí 280.000 tỷ đồng.

Trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, thành phố bố trí cho 224 dự án với tổng kinh phí là 127.000 tỷ đồng, tăng 250% về số vốn nhưng số dự án chỉ tăng 5% so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dứt điểm, giảm dàn trải ra nhiều dự án.

Về nguyên tắc đầu tư, thành phố đang chỉ đạo theo hướng số lượng dự án phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện. Các dự án chuyển tiếp giai đoạn này phải hoàn thành xong và chuẩn bị điều kiện cho các giai đoạn trung hạn về sau. Thành phố cũng cố gắng thực hiện đầu tư trọn gói dự án và tập trung đầu tư dự án hoàn thiện kết nối giao thông, giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen, tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về thứ tự ưu tiên, thành phố dành quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút giao thông quá tải, có tình trạng ùn tắc.

Đồng thời, thành phố cũng tập trung đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối với tỉnh ngoài liên kết với phương tiện hướng Bắc, Tây Bắc. Qua đó nhằm giảm tải cho trung tâm Thủ đô và đầu tư các cái đoạn kết nối vành đai, kết nối các đường cao tốc, các dự án tại 4 huyện chuẩn bị thành lập quận…

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường, ngay từ đầu năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các phòng quản lý dự án để chủ động thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng dự án.

Riêng tiến độ giải ngân vốn được xây dựng kế hoạch theo từng tháng để chỉ đạo. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, có mốc tiến độ cụ thể và là cơ sở để đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.

Ông Nguyễn Chí Cường cho biết, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, TP Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.