Hà Nội: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội...
UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 2069/UBND-KH&ĐT, thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, nhất là bảo đảm thu ngân sách.
Phát huy vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, giải quyết các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy khả năng sáng tạo, tự lực, tự cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo nguyên tắc "làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thật"; tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan; chủ động, sáng tạo để có giải pháp hiệu quả tận dụng cơ hội, thời cơ, khắc phục các hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công quản lý.
Đồng thời, thực hiện kịp thời và hiệu quả chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền tệ, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo dõi sát diễn biến tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành trong giải quyết, xử lý công việc.
"Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố và UBND thành phố về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…", Công văn nêu rõ.
Quang LộcTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.