Hà Nội: Ủy quyền cho cấp quận huyện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong cải tạo chung cư cũ
Hà Nội ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không thực hiện di dời theo quy định.
Cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.500 chung cư cũ. Trong số đó, có nhiều chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, thuộc diện cải tạo, xây dựng lại.
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những định hướng phát triển TP Hà Nội. Để đẩy nhanh tiến độ, TP đã tăng cường phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các quận, huyện nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương trong triển khai công tác này trên địa bàn.
Cụ thể, theo Quyết định số 5879 về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã ủy quyền cho UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cải tạo, xây dựng lại) thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư.
Ngoài việc uỷ quyền cho UBND quận, huyện, thị xã ban hành quyết định cưỡng chế di dời nêu trên, UBND quận, huyện, thị xã cũng được uỷ quyền tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 98 năm 2024 của Chính phủ.
Các quận, huyện được ban hành quyết định di dời khẩn cấp và tổ chức di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp di dời đến chỗ ở tạm thời theo quy định.
Đồng thời, được ban hành quyết định di dời theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, tổ chức xác định hệ số K áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn; tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cho từng dự án thuộc địa bàn mình quản lý.
Quyết định nêu rõ, thời hạn ủy quyền các nội dung trên là 2 năm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô, trong số 1.579 khu chung cư cũ, nhà tập thể (bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu và 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), có đến hàng chục khu nhà đang ở tình trạng nguy điểm.
Đặc biệt, có 6 khu nguy hiểm cấp D (cấp độ nguy hiểm nhất) buộc phải phá dỡ để xây dựng lại như nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ, G6A Khu tập thể Thành Công, nhà A Khu tập thể Ngọc Khánh, Khu tập thể Bộ Tư pháp...
Nhưng công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đến hết năm 2023 mới chỉ đạt 1,14% kế hoạch, với 19 khu được triển khai cải tạo, xây dựng lại.
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu nhờ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% và 36 tỷ USD năm 2024…