Hà Nội: Xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa thúc đẩy kinh tế

Tài chính - Đầu tư
09:08 AM 11/02/2024

Hà Nội xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nên Thành ủy, UBND rất quan tâm chỉ đạo để thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm…; kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả…

Hà Nội: Xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa thúc đẩy kinh tế- Ảnh 1.

Thực hiện Nghị quyết 01, tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, Hà Nội xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nên Thành ủy, UBND rất quan tâm chỉ đạo để thực hiện kế hoạch đầu tư công. Năm 2023, UBND thành phố đã ban hành 3 kế hoạch thực hiện, định hình hàng quý đều tổ chức giao ban xây dựng cơ bản theo ngành, lĩnh vực để nghe các ban quản lý, ngành, địa phương báo cáo kịp thời, tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến giữa tháng 1/2023, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội là 50.690 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 95% kế hoạch thành phố giao.

Con số này thể hiện việc thực hiện các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh, tập trung vào công trình trọng điểm, trong đó có đường Vành đai 4, Vành đai 2,5 và các dự án khác…

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, Quyết định của UBND TP. Hà Nội về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2024 đã tiến hành phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội cũng xác định, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, thách thức của TP. Trong đó, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công của thành phố là 81.033 tỷ đồng (gấp 1,72 lần so với đầu năm 2023), trong đó đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất là 36.100 tỷ đồng (gấp 2,24 lần so với kế hoạch năm 2023 giao đầu năm). Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để có thể đạt các chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, giải ngân của đơn vị mình theo từng tháng, chi tiết từng dự án, hoàn thành trong tháng 01/2024, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Đối với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,1%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân được 25,5% kế hoạch vốn.

Còn đự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất), điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Đường có mặt cắt ngang từ 120 m - 180 m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,2% kế hoạch vốn.

Trong 3 năm qua, Hà Nội đã có sự cải thiện vượt bậc về giải ngân đầu tư công. Kinh nghiệm của Hà Nội trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là điều hành đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của sở, ngành, quận, huyện, thị xã là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Ngoài ra, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; kịp thời xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án để các sở, ngành quản lý kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn triển khai dự án, kế hoạch đầu tư công.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn