Hà Nội: Xây dựng Sàn Giao dịch Công nghệ - Đòn bẩy phát triển thị trường đổi mới sáng tạo

Tài chính - Đầu tư
11:09 AM 08/07/2025

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ ngày càng đóng vai trò cốt lõi, UBND TP Hà Nội đang gấp rút triển khai Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội, một thiết chế trung gian không chỉ là nơi kết nối cung - cầu công nghệ, mà còn là nền tảng cho thương mại hóa tài sản trí tuệ, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ phát triển thực chất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô.

Mặc dù sở hữu tiềm lực nghiên cứu mạnh mẽ từ các trường đại học, viện nghiên cứu và nguồn nhân lực chất lượng cao, song thị trường khoa học và công nghệ Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng. Nguyên nhân chính đến từ khoảng trống kết nối giữa hoạt động nghiên cứu và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Để khắc phục điểm nghẽn đó, việc hình thành một thiết chế trung gian có khả năng môi giới, thẩm định, xúc tiến và hỗ trợ giao dịch công nghệ là rất cần thiết. Sàn Giao dịch công nghệ TP Hà Nội được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu này. Không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, Sàn còn đóng vai trò trung tâm dữ liệu lớn, tích hợp nền tảng số và công nghệ hiện đại, góp phần hình thành văn hóa giao dịch công nghệ minh bạch, chuyên nghiệp.

Hà Nội: Xây dựng Sàn Giao dịch Công nghệ - Đòn bẩy phát triển thị trường đổi mới sáng tạo- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, là xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội, tiến tới là Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới.

Ngày 28/4/2022, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1442/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội” (Đề án 1442). Từ đó đến nay, dự án luôn nằm trong nhóm ưu tiên của thành phố, liên tục được điều chỉnh, cập nhật để phù hợp với bối cảnh thực tế và tiến độ chung của Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Theo Đề án 1442, sàn giao dịch được xây dựng theo mô hình kết hợp: sàn giao dịch công nghệ trực tiếp đặt tại Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên (số 258 Võ Chí Công, quận Tây Hồ) và Sàn trực tuyến tích hợp nền tảng số. 

Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng nơi đây thành đầu mối kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và quỹ đầu tư trong nước và quốc tế; niêm yết tối thiểu 30.000 thông tin công nghệ trong 5 năm đầu; hỗ trợ thực hiện ít nhất 1.000 giao dịch chuyển giao công nghệ, thiết bị thành công vào năm thứ 5; kết nối ít nhất 20 quỹ đầu tư trong nước, quốc tế vào năm thứ 3 vận hành… Đây là con số đầy kỳ vọng, nhưng hoàn toàn có thể hiện thực hóa nếu sàn giao dịch được triển khai đúng tiến độ, đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn lực vận hành.

Theo lộ trình được xác định, sàn giao dịch sẽ từng bước phát triển thành mô hình công ty cổ phần, với tỷ lệ góp vốn nhà nước không quá 49%. Đây là hướng đi mở nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản trị, vận hành sàn giao dịch theo cơ chế thị trường, tăng tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh.

Đáng chú ý, thành phố Hà Nội cũng đang xây dựng cơ chế ưu đãi thiết thực để thu hút các đơn vị KH&CN, doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào sàn giao dịch. Cụ thể: Miễn/giảm tiền thuê mặt bằng trong 3-5 năm đầu; hỗ trợ 50% chi phí vận hành trong 3 năm đầu; miễn phí giao dịch lần đầu cho startup; giảm 50% phí giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 5 năm đầu... Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mà còn góp phần hình thành cộng đồng công nghệ mạnh, kết nối liên vùng, liên ngành và quốc tế.

Một trong những rào cản lớn của đổi mới sáng tạo hiện nay chính là khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Nhiều kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật sau khi nghiệm thu chưa thể đưa vào sản xuất hoặc thị trường do thiếu đầu mối trung gian để kết nối, tư vấn và hỗ trợ triển khai. Sàn Giao dịch Công nghệ sẽ là “cầu nối” quan trọng, giúp rút ngắn khoảng cách này.

Bên cạnh đó, mô hình sàn giao dịch còn góp phần định hình giá trị công nghệ một cách công khai, minh bạch, góp phần xây dựng thị trường KH&CN hiện đại. Qua đó, giúp các bên tham gia đánh giá đúng giá trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động mua bán, chuyển nhượng công nghệ và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. 

Cùng với Trung tâm đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm và Vườn ươm doanh nghiệp, Sàn Giao dịch công nghệ là một trong bốn thiết chế nền tảng đang được TP Hà Nội ưu tiên phát triển nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, có sức lan tỏa. Dự kiến, toàn bộ thủ tục pháp lý sẽ hoàn tất trong năm 2025 để khởi công xây dựng và đưa Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội vào hoạt động từ năm 2026-2027.

Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội khi đi vào vận hành không chỉ là một thiết chế trung gian đơn thuần, mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công cụ phát triển thị trường KH&CN, và đòn bẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Đây là minh chứng cho quyết tâm của Hà Nội trong xây dựng Thủ đô sáng tạo, thông minh và hội nhập, đồng thời tạo ra hệ sinh thái bền vững để doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân cùng nhau phát triển, cùng nhau làm chủ công nghệ vì tương lai thịnh vượng.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Khai mạc Kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội, xem xét nhiều nghị quyết cụ thể hoá Luật Thủ đô Khai mạc Kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội, xem xét nhiều nghị quyết cụ thể hoá Luật Thủ đô

Sáng 8/7, kỳ họp thường lệ giữa năm (Kỳ họp thứ 25), HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc để xem xét nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó có nhiều nghị quyết để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024.