Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản phẩm từ sen

Tiếp thị
02:39 PM 12/07/2024

Hà Nội không chỉ là Thủ đô với nét đẹp cổ kính và văn hóa phong phú, mà còn là nơi có nhiều vùng trồng sen trải rộng khắp các quận huyện, thị xã. Trong đó, một số địa phương như quận Tây Hồ với lợi thế nhiều di tích, điểm tham quan hấp dẫn, gần trung tâm... có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách vào mùa sen.

Thành phố Hà Nội có 600ha diện tích trồng sen, tập trung ở các quận, huyện: Tây Hồ, Mỹ Đức, Mê Linh, Thạch Thất... Những năm qua, nhiều đầm sen đã thu hút rất đông người dân và du khách tới tham quan, chụp ảnh mỗi dịp hè.

Không chỉ phục vụ khách tham quan, nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, ẩm thực từ sen Hà Nội đã được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao. Có thể kể tới Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao OCOP); trà sen Quảng An (4 sao OCOP), trà sen Mê Linh (4 sao OCOP ) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen...

Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản phẩm từ sen- Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội nhận định, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công các sản phẩm du lịch từ hoa rất hiệu quả, như thành phố Hải Phòng có Lễ hội Hoa phượng đỏ, tỉnh Hà Giang có Lễ hội Hoa tam giác mạch... Tại Hà Nội, quận Tây Hồ có những tiềm năng để có thể trở thành điểm du lịch đặc trưng gắn với sản phẩm sen.

Từ ngày 12-16/7, quận Tây Hồ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức lễ hội Sen Hà Nội tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ. Đây là lần đầu tiên, một lễ hội chuyên đề về sen được tổ chức tại Hà Nội nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long-Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của hoa sen, đồng thời tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, quảng bá và kích cầu du lịch.

Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản phẩm từ sen- Ảnh 2.

Sen Hồ Tây từ lâu đã nổi tiếng với câu ca dao “Đấy vàng, đây cũng đồng đen/Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”. Đặc biệt, giống sen bách diệp ở Hồ Tây với khoảng trăm cánh nở rất to, màu hồng nhạt, hương thơm ngát đã trở thành biểu tượng của Hà Nội. Không chỉ mang vẻ đẹp tinh tế, sen Hồ Tây còn có giá trị kinh tế cao nhờ vào đặc điểm thổ nhưỡng và điều kiện thủy thổ đặc biệt của vùng này.

Nhằm phát huy hết lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Mô hình đã được triển khai tại Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30ha.

Đặc biệt với Tây Hồ, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”. Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…

Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản phẩm từ sen- Ảnh 3.

Theo UBND quận Tây Hồ, trên địa bàn có hơn 70 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, xung quanh hồ Tây có nhiều di tích nổi tiếng, điển hình như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ. Ngoài ra, ở quanh khu vực Hồ Tây đã hình thành những điểm tham quan, trải nghiệm gắn với lợi thế trồng hoa, như: Khu du lịch Nhật Tân, thung lũng hoa Hồ Tây nằm ở đường sen Hồ Tây; Không gian văn hóa sáng tạo Hồ Tây với nhiều hoạt động du lịch đêm. 

Trên địa bàn quận còn có các điểm vui chơi, ẩm thực, mua sắm và cơ sở lưu trú 5 sao, như: Công viên nước Hồ Tây, Trung tâm thương mại Lotte... Vì thế, Tây Hồ có thể xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với Lễ hội Sen Hà Nội để tạo thành sản phẩm mang thương hiệu riêng cho mình cũng như thương hiệu du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm du lịch mang đậm tinh hoa sen Hà Nội, quận Tây Hồ cũng nhận định cần chú trọng thêm những hoạt động, sản phẩm văn hóa, ẩm thực liên quan đến sen, ví dụ như, hoạt động trải nghiệm, giới thiệu tinh hoa trà ướp sen của Hà Nội tại một số gia đình nghệ nhân; Khuyến khích các cơ sở ẩm thực, nhà hàng sáng tạo thêm những món ăn về sen.

Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản phẩm từ sen- Ảnh 4.

Theo UBND quận Tây Hồ, vào ngày 13/7, quận sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn với sự tham gia của nhiều đơn vị lữ hành, nhằm tăng cường liên kết điểm đến, tạo thành tour, tuyến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi tham gia Lễ hội Sen Hà Nội. 

Những điểm khảo sát sẽ là các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng và điểm du lịch mới, như: Di tích lịch sử đền Đồng Cổ (phường Bưởi), chùa Kim Liên (phường Quảng An), đình Nhật Tân và khu du lịch Nhật Tân... Phường Nhật Tân hiện đang hướng đến xây dựng thành điểm du lịch về sen với các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen. Những điểm du lịch "chuyên đề" về sen kết hợp với hơn 70 di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận Tây Hồ có thể phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó cây sen là một trong những cây trồng được ưu tiên. Thành phố chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây sen, thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang trồng sen đa giá trị. Mục tiêu là nâng cao giá trị và tính bền vững của sản phẩm nông nghiệp, đồng thời phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đô thị.

Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế địa phương. Dự kiến, đến năm 2025, diện tích canh tác hoa, cây cảnh toàn thành phố sẽ đạt khoảng 9.000 ha, ngoài quận Tây Hồ, nhiều diện tích trồng sen mới cũng sẽ được mở rộng tại các huyện như Quốc Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.