Hà Nội xem xét dự án xây 3 cầu bắc qua sông Hồng
UBND thành phố Hà Nội tiến hành xem xét thông qua Tờ trình của UBND thành phố trình HĐND thành phố đối với 3 dự án nhóm A gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi và cầu Trần Hưng Đạo.
Sáng 11/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2/2025 để xem xét một số nội dung trình kỳ họp HĐND thành phố và theo chương trình công tác năm 2025.

Phối cảnh cầu Tứ Liên nối Q. Tây Hồ với H. Đông Anh. Ảnh: Sở QH-KT Hà Nội
Tại phiên họp, UBND thành phố xem xét thông qua tờ trình của UBND thành phố trình HĐND thành phố đối với 3 dự án nhóm A gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa), dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu, dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Cầu Ngọc Hồi có điểm đầu cầu kết nối với điểm cuối dự án vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội và ngân sách Trung ương.
Dự án xây cầu Tứ Liên có chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Phần cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,5km, đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 20.000 tỷ đồng.
Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Tổng mức đầu tư dự án gần 16.000 tỷ đồng.
Hiện Hà Nội có 8 cầu bắc qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.
Theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông, gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Phú Xuyên.
Theo các chuyên gia, việc triển khai các cây cầu vượt sông Hồng nhằm mục đích phát triển đồng bộ 2 bên sông Hồng.
Việc xây dựng thêm những cây cầu không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phong phú nhằm tái cơ cấu kinh tế, hình thành cũng như phát triển các khu dân cư mới. Không những mang đến lợi ích về kinh tế, những cây cầu còn mang đậm dấu ấn về văn hóa của Thủ đô ở từng giai đoạn nhất định.
Minh An (t/h)
Đây là dự báo được chuyên gia kinh tế của Standard Chartered đưa ra tại tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và thế giới trong nửa đầu năm 2025, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/2.