Hà Nội xếp hạng 12 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố

Địa phương
08:55 AM 26/08/2024

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Quyết định số 4320/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định, UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích cấp thành phố đối với 12 di tích:

Đình Tây Luông (miếu Quan Công), phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình.

Đình Tây Luông (miếu Quan Công), phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình. Ảnh: KTĐT

2 di tích Lịch sử thuộc quận Ba Đình: đình Thành Công, phường Thành Công và đình Tây Luông (miếu Quan Công), phường Nguyễn Trung Trực

1 di tích Lịch sử văn hóa đền Kim Quan, phường Việt Hưng, quận Long Biên

2 di tích lịch sử văn hóa huyện Mỹ Đức: đền Nông Khê và chùa Nông Khê (Hoa Khê tự) thuộc xã Hùng Tiến

1 di tích Lịch sử văn hóa Lăng mộ Trần Minh Hiến và phu nhân Nhị Bảo, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh

2 di tích thuộc huyện Phú Xuyên: di tích Lịch sử đình Nhị Khê, xã Hoàng Long và di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật đình Thụy Phú, xã Nam Tiến

4 di tích thuộc huyện Ứng Hòa: Di tích lịch sử đình Đồng Xung, xã Đồng Tân; Di tích lịch sử đình Kim Bồng, xã Kim Đường; Di tích lịch sử - nghệ thuật chùa Đào Xá (Trấn An Tự), xã Đông Lỗ; Di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọc Trục (Hưng Phúc Tự), xã Đông Lỗ.

Sau khi di tích được xếp hạng, UBND các quận, huyện: Ba Đình, Long Biên, Mỹ Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Ứng Hòa chịu trách nhiệm công khai khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và tổ chức lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới trên thực địa theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.

UBND các phường, xã có di tích trên ban hành quyết định thành lập Ban quản lý di tích; tổ chức quản lý mặt bằng và không gian di tích, toàn bộ hiện vật thuộc di tích, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, sử dụng nguồn thu của di tích theo quy định tại Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND Thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hoạt động có liên quan tới việc xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được xếp hạng và khoanh vùng các khu vực bảo vệ. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất, xây dựng tại di tích phải được phép của UBND Thành phố Hà Nội.

Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận, huyện nơi có di tích được xếp hạng nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hà Nội có số lượng di tích nhiều nhất cả nước, trong đó nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, có di tích đã được UNESCO vinh danh.

Các di tích đó hàm chứa những giá trị về lịch sử, văn hoá và khoa học. Xét dưới góc độ phát triển, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực đặc biệt có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Việc khai thác đó, dù ít dù nhiều, hay dù mới ở giai đoạn khai mở nhưng đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của hệ thống di tích trong bối cảnh phát triển hiện nay.

An Mai
Ý kiến của bạn