Hà Nội xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính
Theo công bố của Bộ Nội vụ ngày 6/4, TP Hải Phòng đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 2024), xếp thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hà Nội xếp thứ ba về chỉ số cải cách hành chính.
Năm 2024 là năm thứ 13, Bộ Nội vụ triển khai đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh. Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP.
Để xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2024, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 85.600 phiếu, trong đó, có 36.525 phiếu của người dân để đo lường mức độ hài lòng nêu trên; 49.159 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý tại các bộ, địa phương, hội, hiệp hội.

Hà Nội đứng thứ ba về Chỉ số cải cách hành chính năm 2024. Ảnh: Internet
Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%.
Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số cải cách hành chính tăng so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận (+6,39%), tăng thấp nhất là Lai Châu (+0,19%). Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương có chỉ số giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, tỉnh giảm nhiều nhất là 2,94% và tỉnh giảm ít nhất là 0,21%.
TP Hải Phòng đạt 96,17/100 điểm, đứng đầu bảng, tăng một bậc so với xếp hạng năm 2023. Đây là lần thứ hai Hải Phòng dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính, sau lần đầu năm 2021. Trong 13 lần xếp hạng, Hải Phòng 12 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính.
Hải Phòng là địa phương duy nhất cả nước đạt tăng trưởng hai con số liên tiếp trong 10 năm qua. Năm 2024, địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần kế hoạch.
Xếp thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng ba bậc so với năm 2023. Địa phương có mức độ hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ công thuộc nhóm cao nhất cả nước, tiên phong miễn 100% học phí cho học sinh phổ thông. Năm 2024, địa phương tăng trưởng GRDP đạt 11,72%, cao nhất 10 năm qua; thu hút FDI đạt 2 tỷ USD, gấp hơn hai lần năm 2023.
Cùng đó, theo đánh giá, một số địa phương khác cũng thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính. Trong top 5 của bảng xếp hạng, đáng kể là TP Hà Nội duy trì xếp thứ 3/63, đạt 92,75%; Quảng Ninh xếp thứ 4/63, đạt 91,49%; Thái Nguyên xếp thứ 5/63, đạt 91,47%.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 là tỉnh Cao Bằng, đạt 82,95%, tuy vậy kết quả này vẫn cao hơn 1,63% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (An Giang năm 2023 chỉ đạt 81,32%).
Về chỉ số thành phần, năm 2024, có 6/8 chỉ số thành phần tăng điểm; tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Tác động của cải cách hành chính đến người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” (+3,79%). Có 2/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2023 đó là các Chỉ số thành phần: “Cải cách tài chính công” (-0,02%) và “Cải cách thể chế” (-1,60%).
Xếp thứ 2 là Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC”, giá trị trung bình đạt 96,79%, cao hơn 2,38% so với năm 2023 (đạt 94,41%); 43 địa phương tăng điểm so với năm 2023; có 16 địa phương đạt tỷ lệ điểm đánh giá tối đa (100%). Địa phương đứng cuối bảng xếp hạng là Bạc Liêu, chỉ đạt 86,38%...
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác cải cách hành chính một cách toàn diện, hiệu quả. Kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023; phương pháp chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn.
Huyền My (t/h)
Kinh tế - xã hội quý I/2025 của Việt Nam ghi nhận những tín hiệu khởi sắc trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, đáng chú ý khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính.