Hà Nội: Xử lý hơn 2.000 vụ buôn lậu, hàng giả thu nộp ngân sách hơn 88 tỷ đồng
Nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã kiểm tra 2.176 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 2.068 vụ vi buôn lậu, sản xuất hàng giả. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu và tiêu hủy hàng hóa vi phạm đạt hơn 88,2 tỷ đồng.
Tình hình buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2025. Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.176 vụ, qua đó phát hiện và xử lý 2.068 vụ vi phạm. Cụ thể: 771 vụ liên quan đến hàng hóa nhập lậu; 718 vụ buôn bán, sản xuất hàng giả; 251 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu và tiêu hủy hàng hóa vi phạm đạt trên 88,2 tỷ đồng. Kết quả này góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thương mại điện tử tiếp tục là điểm nóng với 72 vụ vi phạm trong 6 tháng, riêng tháng 6 là 33 vụ. Hành vi phổ biến là kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm và phụ kiện không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, 23 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu và 7 vụ liên quan đến khí N2O (bóng cười) cũng đã bị lực lượng chức năng xử lý.

Hàng trăm kg thịt đông lạnh nhập lậu bị lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội
Đáng chú ý, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, các lực lượng chức năng như Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ xử lý 98 vụ, tang vật lên tới gần 51.000 đơn vị sản phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm đông lạnh, nấm, tương ớt... Tổng số tiền phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.
Điển hình như phát hiện 14.196 con gà đông lạnh nguyên con và 560 kg nội tạng gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Xuân Thắng.
Cơ quan chức năng nhận định: Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng triệt để kênh bán hàng trực tuyến, dịch vụ chuyển phát nhanh và thương mại điện tử xuyên biên giới để vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng.
Dự báo trong những tháng cuối năm – cao điểm tiêu dùng mùa lễ, Tết – tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Chi cục QLTT TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-QLTT, tập trung kiểm soát các nhóm hàng trọng điểm như bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia, dược phẩm và hàng tiêu dùng mùa hè, Tết Trung thu. Các sản phẩm sẽ được lấy mẫu kiểm nghiệm nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, để tăng cường công tác đấu tranh, kiểm tra, xử lý vi phạm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm tra đột xuất và chuyên đề, duy trì tần suất để giữ “hiệu ứng răn đe” liên tục; Xác định trách nhiệm đầu ngành, buộc đội trưởng chịu trách nhiệm nếu địa bàn xảy ra vi phạm nghiêm trọng hay có điểm nóng.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, kho hàng, điểm tập kết, mặt hàng thiết yếu, từ đó tạo đột phá trong kiểm soát thương mại điện tử.
Huyền My
Dù vẫn là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nhưng vị trí Top 5 đã có những thay đổi đáng chú ý.