Hà Nội: Xuất khẩu “vượt sóng” thành công

Địa phương
09:16 AM 09/07/2024

Vượt qua những bất ổn của thương mại toàn cầu, bằng nhiều nỗ lực và giải pháp thích ứng, xuất khẩu Hà Nội đã “vượt sóng” thành công. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm đã dần ổn định khi các nền kinh tế lớn tăng trưởng, lạm phát có xu hướng giảm… Tận dụng những cơ hội này, các doanh nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 1,617 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. 

Hà Nội: Xuất khẩu “vượt sóng” thành công- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Một số nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm như: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.256 triệu USD, tăng 13,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.069 triệu USD, tăng 29,5%; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 1.050 triệu USD, tăng 7%; hàng nông sản đạt 836 triệu USD, tăng 58,5%; xăng dầu đạt 741 triệu USD, tăng 14,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 371 triệu USD, tăng 1,2%; hàng hóa khác đạt 2.167 triệu USD, tăng 6,3%.

Bên cạnh đó, có 3/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là: Hàng dệt may đạt 962 triệu USD, giảm 4%; giầy dép và các sản phẩm từ da đạt 166 triệu USD, giảm 22,8%; điện thoại và linh kiện đạt 49 triệu USD, giảm 40,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 19,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,3 tỷ USD, tăng 3,3%.

Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong 6 tháng đầu năm nay là máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3.241 triệu USD, tăng 16,7%; xăng dầu đạt 2.715 triệu USD, tăng 13,1%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện 1.225 triệu USD, tăng 14,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng 1.115 triệu USD, tăng 16,2%; sắt thép 1.022 triệu USD, tăng 32,8%; kim loại khác đạt 659 triệu USD, tăng 45,2%; chất dẻo 631 triệu USD, tăng 9,8%; hàng hóa khác đạt 6.675 triệu USD, tăng 13,1%. 

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thủ đô 6 tháng đầu năm đạt 28,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, có thể nói xuất nhập khẩu Hà Nội đã “vượt sóng” thành công, tạo tiền đề quan trọng, góp phần đưa Thủ đô vững bước phát triển trong năm 2024.

Điều đáng ghi nhận là doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD, tăng 14,8%. Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,1%. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới.

Đánh giá những thành công bước đầu trong hoạt động xuất khẩu, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nêu rõ, kim ngạch xuất khẩu Hà Nội nói riêng cả nước nói chung tăng tăng trưởng cho thấy sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các FTA đã ký kết. Mặt khác, doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm khách hàng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế.

Trước đó, TP. Hà Nội phấn đấu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng trưởng 5% so với thực hiện năm 2023.

Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Không chỉ có vậy, để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, Sở sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước...

Tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài bởi đây là một trong những giải pháp để tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.