Hà Nội: Xuất nhập khẩu quý I/2024 - “vượt sóng” thành công
Bằng nhiều nỗ lực và giải pháp thích ứng, quý 1/2024, xuất nhập khẩu của Hà Nội đã “vượt sóng” thành công, tạo tiền đề quan trọng, góp phần đưa Thủ đô vững bước phát triển vào năm 2024.
Thông tin tại buổi họp báo do UBND thành phố Hà Nội tổ chức chiều 28/3, Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, với nhiều giải pháp đồng bộ, trong quý 1, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 1.254 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 6,2%).
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1/2023 giảm 4,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,6%. 4/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là Hàng nông sản 49,8%; Xăng dầu 18,7%; Máy móc thiết bị phụ tùng 4,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng 33,2%;…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 2.754 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2023(cùng kỳ giảm 17,6%).
Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1/2023 giảm 12%); trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,4%.
Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Hàng điện gia dụng và linh kiện 15,5%; Sắt thép 27,9%; Kim loại khác 5%; Ngô 17,5%; Hàng hóa khác 10,1%;...
Với kết quả xuất nhập khẩu trong quý 1/2024, có thể nói xuất nhập khẩu Hà Nội đã “vượt sóng” thành công, tạo tiền đề quan trọng, góp phần đưa Thủ đô vững bước phát triển trong năm 2024.
Trước đó, TP. Hà Nội phấn đấu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng trưởng 5% so với thực hiện năm 2023.
Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các DN khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA. Đồng thời hỗ trợ DN hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để phổ biến đến các DN trên địa bàn Hà Nội.
Không chỉ có vậy, để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, Sở sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước...
Rập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, giúp DN đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài bởi đây là một trong những giải pháp để tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Điều này phản ánh sự thành công trong việc phát triển hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet và áp dụng các mô hình Chính phủ điện tử hiệu quả.