Hạ tầng bứt phá, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho bất động sản

Nhịp cầu BĐS
08:42 AM 17/05/2025

Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông liên vùng đang và sắp được triển khai thực hiện sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Năm 2025 chứng kiến bước chuyển mình ấn tượng của hạ tầng cơ sở Việt Nam, với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tăng tốc và rục rịch đi vào hoạt động. Những động thái này không chỉ kiến tạo mạng lưới giao thông liên vùng hoàn chỉnh mà còn hứa hẹn nâng tầm vị thế cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động.

Hạ tầng bứt phá, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho bất động sản- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hơn nữa, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm được xác định là một trong nhưng động lực quan trọng.

Nổi bật trong số này là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, và Vành đai 3 TP.HCM. Các dự án không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng mà còn đóng vai trò nền tảng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn chuyển dịch mới. Cùng với đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành được kỳ vọng trở thành trung tâm hàng không chiến lược của Đông Nam Á vào năm 2026, hiện đang bám sát kế hoạch triển khai và đạt nhiều cột mốc tiến độ quan trọng.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, Việt Nam đang nỗ lực duy trì vị thế cân bằng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và các góc nhìn về thị trường có sự phân hóa. Nền kinh tế trong nước được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy nhờ việc cải thiện chính sách và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.

Thực tế cho thấy, các tín hiệu tích cực từ hạ tầng đã củng cố mạnh mẽ niềm tin của khối ngoại. Số liệu của Cục Thống kê ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng số vốn FDI đăng ký đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng vốn đăng ký mới.

Ngoài ra, động lực từ hạ tầng cũng đang dịch chuyển bản đồ đầu tư bất động sản sang các thị trường cấp hai. Tại phía Nam, Long An nổi lên như một điểm sáng với loạt dự án quy mô lớn. Giai đoạn 1 của khu đô thị nghỉ dưỡng Eco Retreat Long An (220 ha) do Ecopark phát triển đã ra mắt vào tháng 3. Cùng thời điểm, Vingroup khởi công dự án Vinhomes Green City với tổng vốn hơn 1 tỷ USD, mở rộng không gian phát triển về phía Tây TP.HCM.

Savills bổ sung, lĩnh vực công nghiệp duy trì sức hút ổn định với sự xuất hiện của nhiều dự án mới. Đầu năm nay, khu công nghiệp Nam Tràng Cát (Hải Phòng), quy mô 200 ha do Vinhomes đầu tư, đã được phê duyệt, kỳ vọng tạo động lực mới cho hạ tầng công nghiệp và năng lực sản xuất miền Bắc.

Ở mảng bán lẻ, làn sóng mở rộng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Trong quý I/2025, Aeon Việt Nam đã mua lại dự án Trung tâm thương mại Hải Dương từ một nhà phát triển trong nước và được đổi tên thành Trung tâm thương mại Aeon Hải Dương, với tổng vốn đầu tư khoảng 46 triệu USD.

Phân khúc văn phòng tiếp tục duy trì tỷ lệ lấp đầy cao và mặt bằng giá thuê ổn định, với xu hướng gia tăng các khách thuê dịch chuyển ra ngoài khu vực trung tâm. Đồng thời khách thuê ưu tiên các tòa nhà hạng A chất lượng cao và được chứng nhận xanh.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn