Hạ tầng xanh thúc đẩy phát triển bền vững đô thị, nông thôn
Ngày 18/1, tại Hà Nội, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Hạ tầng xanh cho phát triển bền vững đô thị, nông thôn". Hội thảo nhằm tập hợp các ý tưởng, quan điểm, giải pháp toàn diện về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, xã hội và quản lý của các chuyên gia cho định hướng này.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo khoa học lần này đã có tham luận của hơn 23 tác giả là các chuyên gia, các tổ chức những bản tham luận này là những kiến nghị đề xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương về các giải pháp cụ thể phát triển hệ thống hạ tầng xanh để phục vụ phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn theo xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc chương trình, GS TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết: "Tại Hội nghị COP 26 Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng bằng không. Yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải đang đòi hỏi các ngành, các cấp cần có kế hoạch hành động và giải pháp mang tính quyết liệt. Công tác phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tổ chức sản xuất, chuyển đổi số trong ngân hàng, thương mại, giao thông đô thị và thành phố thông minh đã được quan tâm triển khai và bước đầu đã có những bước phát triển đáng khích lệ".
Trong 3 năm (từ năm 2021-2023), Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã chủ trì cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2016 về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây là cơ sở để Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn Quốc gia QCVN 07:2023/BXD về Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.
Bộ quy chuẩn gồm những quy định kỹ thuật bắt buộc tuân thủ đối với 10 loại hình công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm: Công trình cấp nước; Công trình thoát nước; Công trình hào và tuy-nen kỹ thuật; Công trình giao thông đô thị; Công trình cáp điện; Công trình cáp xăng dầu, khí đốt; Công trình chiếu sáng; Công trình viễn thông; Công trình thu gom, xử lý chất thải rán và nhà vệ sinh công cộng; Công trình nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ. Các quy định có hiệu lực từ tháng 7/2024 và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong xây dựng, vận hành công trình xanh và đô thị xanh, đô thị thông minh tại Việt Nam.
Ông Trần Hoài Anh, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhận định, tốc độ phát triển hạ tầng của Việt Nam hiện chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa. Điều này khiến cho biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra nhiều tác động tiêu cực với môi trường đô thị và các khu vực nông thôn.
Ông Trần Hoài Anh cho rằng, hạ tầng xanh là hướng tiếp cận mới trong thúc đẩy phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn bền vững. Mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống môi trường nhân tạo phải gắn kết với tự nhiên, giảm phát thải, tạo ra những lợi ích thiết thực đối với môi trường, hệ sinh thái và tiết kiệm tài nguyên. Qua đó, hình thành một hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội kết nối "xanh" trong xây dựng mới hay cải tạo, chỉnh trang đô thị, điểm dân cư nông thôn Việt Nam.
PGS. TS. Phạm Hùng Cường – PCT Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam chia sẻ: "Hạ tầng xanh vùng huyện thành phố Hà Nội cần được quan tâm thiết lập hơn trong quá trình lập đồ án quy hoạch vùng huyện. Đánh giá chung về hiện trạng là chưa được nhận diện đầy đủ, các không gian mặt nước, cây xanh, không gian đồng ruộng còn thiếu tính kết nối để đảm bảo yêu cần về môi trường, sinh thái. Còn thiếu kết nối không gian xanh, mặt nước với mục tiêu tạo cảnh quan vùng huyện. Hạ tầng xanh vùng huyện cần được thiết lập dựa trên các thành tố không gian xanh, mặt nước, cả trong khu vực đồng ruộng sản xuất và điểm dân cư. Hệ thống Hạ tầng xanh thỏa mãn các yêu cầu về môi trường - cảnh quan – sinh thái - không gian nghỉ ngơi, du lịch - sản xuất. Cần đổi mới công tác quản lý, điều chỉnh các chính sách để phát triển hạ tầng xanh trên địa bàn vùng huyện".
Chuyên gia đánh giá, phát triển đô thị bền vững là giải pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề quá tải và ô nhiễm ở các đô thị của nước ta hiện nay. Áp dụng các giải pháp ứng dụng của hệ thống hạ tầng xanh là giải pháp hữu hiệu để bắt tay vào xây dựng phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, nâng cao nhận thức của toàn xã hội mới là vấn đề then chốt mang tính quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và phát triển đô thị bền vững.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, những kiến nghị, đề xuất là gợi ý để các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương đưa ra các giải pháp cụ thể, phục vụ phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn theo xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thanh ThủyPhó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.