Hà Tĩnh: Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo và kinh doanh thuốc qua mạng xã hội
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các mạng xã hội. UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở Y tế công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân vi phạm để người dân tránh mua phải các thuốc chưa được phép lưu hành.
Luật Dược năm 2016 quy định rõ, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã/phường; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; không được bán thuốc online và nghiêm cấm việc quảng cáo thuốc dưới hình thức lấy hình ảnh nhân viên nhà thuốc, thư mời, bác sĩ giới thiệu…
Thế nhưng trên thực tế, nhiều người dân lại quá chủ quan với tình trạng sức khỏe của mình, cho rằng thuốc trên mạng tốt mà không tìm hiểu kỹ về chất lượng thuốc, tình trạng pháp lý của cơ sở kinh doanh dược phẩm nên vô tình đã gây nguy hại đối với sức khỏe của chính mình.
Thực hiện Văn bản số 286/BYT-QLD ngày 18/1/2023 của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc Văn bản số 7438/UBND-VX1 ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị; tuyên truyền, vận động người dân đến khám bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế và mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.
Đồng thời, chủ động nắm bắt các thông tin về việc sản xuất, mua bán, quảng cáo thuốc bất hợp pháp trên các mạng xã hội và qua phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn (nếu có) theo đúng quy định...
Vào ngày 31/1/2023 Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã có thông báo thu hồi 11 lô thuốc Myomethol (Methylcarbamol 500mg) không đạt chất lượng, có số đăng ký VN-17397-13, do công ty RX. Manufacturing Co., Ltd sản xuất, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế TP Hồ Chí Minh (YTECO) nhập khẩu.
Danh mục các lô thuốc bị thu hồi: Số lô: 49U001, NSX 12/01/2021, HSD 12/01/2024; Số lô: 49U002, NSX 12/01/2021, HSD 12/01/2024; Số lô: 49U003, NSX 13/01/2021, HSD 13/01/2024; Số lô: 49U004, NSX 13/01/2021, HSD 13/01/2024; Số lô: 49U005, NSX 14/01/2021, HSD 14/01/2024; Số lô: 49U006, NSX 14/01/2021, HSD 14/01/2024.
Số lô: 49U007, NSX 15/01/2021, HSD 15/01/2024; Số lô: 49U008, NSX 04/02/2021, HSD 04/02/2024; Số lô: 49U009, NSX 04/02/2021, HSD 04/02/2024; Số lô: 49U010, NSX 05/02/2021, HSD 05/02/2024; Số lô: 49U011, NSX 05/02/2021, HSD 05/02/2024.
Trước đó, vào tháng 12 năm 2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản gửi các sở ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tăng cường công tác thông tin - giáo dục, truyền thông cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không được vi phạm, sản xuất, kinh doanh thuốc giả; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh phòng chống thuốc giả; phát hiện và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về các đối tượng, tụ điểm sản xuất, kinh doanh thuốc giả để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thuốc sử dụng biện pháp công nghệ cao, dán tem để chống hàng giả cho sản phẩm.
Trong đó nhấn mạnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ y tế và nhân dân về nguy cơ, tác hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, các biện pháp phòng tránh việc mua bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; chỉ mua thuốc tại các cơ sở dược hợp pháp; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc giả tới cơ quan y tế và các cơ quan chức năng có liên quan; thông báo các vụ việc vi phạm được phát hiện và các hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường truyền thông giáo dục, vận động nhân dân tuyệt đối không được sản xuất, kinh doanh thuốc giả; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong đấu tranh phòng chống thuốc giả, phát hiện và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng về các đối tượng, tụ điểm sản xuất, kinh doanh thuốc giả để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Lê DungSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.