Hà Tĩnh: Dấu hiệu “bất thường” trong phối hợp của lực lượng chức năng khi kiểm tra xe tải nghi vấn vi phạm
Ngày 21/1/2021, khoảng 10h30 tại km 549+700 trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), kiểm soát viên Đội số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh và Lực lượng Cảnh sát giao thông của phòng CSGT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp dừng xe tải biển số 29C – 900.42 để kiểm tra qua tin báo chở nguồn hàng vi phạm pháp luật.
Tại hiện trường, nhóm phóng viên chứng kiến sự việc khi lực lượng Cảnh sát giao thông thổi còi, ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng tài xế không chấp hành, không chịu xuống xe và đã dừng xe ngay trên đường QL1A để gây cản trở giao thông. Sau hơn 30 phút giằng co, lực lượng chức năng trực tiếp tại đây phải liên hệ với Công an thị xã Kỳ Anh chi viện để cưỡng chế tài xế để chấp hành pháp luật. Khi được giải thích về pháp luật, tài xế đã phải chấp hành xuống xe. Và sau khi xuống xe, tài xế vẫn tiếp tục đôi co căng thẳng với lực lượng chức năng, cuối cùng mới phải làm việc với Cảnh sát giao thông.
Do công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại hiện trường chưa chặt chẽ, cụ thể lực lượng Cảnh sát giao thông đã rời khỏi hiện trường mà không bàn giao đăng ký xe cũng như các giấy tờ liên quan, thế nên tài xế đã lên xe, rồi tiếp tục lái xe đi vào phía Nam, mà không chấp hành xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào... (!?)
Đây là một tình huống bất ngờ và hy hữu. Hệ lụy dẫn đến kết quả không thể kiểm tra được xe tải nghị vấn, mặc dù các lực lượng chức năng đã bỏ ra rất nhiều công sức. Do việc phối hợp các lực lượng chức năng lỏng lẻo như vậy, thì liệu có còn khuyến khích được người dân báo tin, tố giác, tố cáo tới cơ quan chức năng để chống buôn lậu, gian lận thương mại hay không? Tại vụ việc cụ thể ngày 21/1/2021 này, dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi, ví như: Xe này chở hàng gì và có chở hàng như tin báo không? Có ai can thiệp vào chiếc xe này? Lái xe có giấy phép lái xe hay không và chủ xe này là ai? Tại sao lái xe này chống đối và không chấp hành và vẫn ung dung lái xe đi trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng?
Phải khẳng định đây là một việc bất thường. Bởi vì trên thực tế lâu nay, cả hai lực lượng Cảnh sát Giao thông và Quản lý thị trường đã nhiều lần phối hợp tốt trong quá trình thực hiện công vụ. Cụ thể như, từ tin báo của quần chúng, ngày 6 và 7/1/2021, Đội Cơ động thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh phối hợp với Đội tuần tra 6.1 Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ xe ô tô biển 29H - 08612 và xe ô tô mang biển kiểm soát 29H - 71375. Kết quả kiểm tra cho thấy số lượng lớn giày chở trên xe có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike và mỹ phẩm nước ngoài.
Còn nhớ trước đó, ngày 6/11/2020, Đội Quản lý thị trường số 6 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông bắt giữ xe tải biển kiểm soát 34C-146.68, chở hơn 400kg sản phẩm động vật mà không có hóa đơn, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ do ông Nguyễn Ngọc Bun, quê ở tỉnh Hải Dương điều khiển. Đội QLTT số 6 đã lập hồ sơ xử lý và tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo 389 của Hà Tĩnh được thành lập đã hơn 06 năm, ngày 29/08/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 2543/QĐ-UBND thành lập và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Do đó, khó mà nói rằng các lực lượng chức năng phối hợp chưa nhịp nhàng để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Hiện nay là cao điểm thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu & gian lận thương mại trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Thiết nghĩ Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng như Ban 389 của Hà Tĩnh cần phải vào cuộc để làm rõ tại sao lại có sự phối hợp kỳ lạ như vậy?
Thái Quảng và nhóm PVTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.