Hà Tĩnh: Doanh thu bán lẻ tháng đầu năm 2024 đạt hơn 6.200 tỷ đồng.
Tháng đầu năm 2024, là tháng cận tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của người dân đều tăng lên. Theo Sở công thương Hà Tĩnh, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 6.232 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Sở Công thương, nguồn hàng phục vụ tết Nguyên đán 2024 tương đối bình ổn, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bắt đầu từ tháng trước tết, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã chủ động dự trữ nguồn hàng hóa để cung cấp ra thị trường. Các ngành chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, giá cả thị trường và đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc...
Trong những ngày giáp tết sức mua bắt đầu tăng mạnh đối với các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm trang trí ngày tết. Như mọi năm, các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết đều phong phú, đa dạng mẫu mã, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Tuy nhiên, cũng có thể thấy, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu hơn, cùng với đó là nhu cầu mua sắm có nhiều hạn chế hơn. Nhu cầu tiêu dùng dịp tết cũng đã bão hòa, người dân không còn mua sắm tích trữ nhiều nên sức mua hàng hóa sụt giảm, thị trường không nhộn nhịp, sôi động như các dịp tết trước. Tình hình cung - cầu hàng hóa và giá cả thị trường cơ bản ổn định, không có biến động lớn.
Tuy nhiên, thời gian đầu năm vẫn là cao điểm của mua sắm và bán lẻ. Sức mua chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, hàng thiết yếu khác phục vụ trong dịp tết. Một số nhóm hàng có doanh thu đạt cao và tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: lương thực - thực phẩm đạt 2.836 tỷ đồng (tăng15%); đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình đạt 812 tỷ đồng (tăng 46%); ô tô con đạt 491 tỷ đồng (tăng 46%); hàng may mặc đạt 386 tỷ đồng (tăng 20%); gỗ và vật liệu xây dựng đạt 327 tỷ đồng (tăng 53%)...
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1/2024 đạt hơn 6.232 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 5,8% so với tháng 12/2023. Theo quan sát và đánh giá của ngành chức năng, thị trường tết năm 2024 của tỉnh Hà Tĩnh không nhộn nhịp, sôi động bằng dịp tết năm 2023 song mức bán lẻ vẫn đạt cao hơn.
Dự kiến doanh thu bán lẻ của tháng 2 cũng sẽ đạt khá cao do sức mua phục vụ nhu cầu Tết nguyên đán tăng mạnh. Mức tăng trưởng khá từ đầu năm là tín hiệu tích cực cho mục tiêu doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 tăng 15% so với năm 2023 (năm 2023 đạt 59.777 tỷ đồng).
Lê DungSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.