Hà Tĩnh: Giá lợn hơi bấp bênh, doanh nghiệp chăn nuôi gặp khó
Từ cuối năm 2022, một loạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ra thông báo tăng giá bán sản phẩm từ 120-400 đồng/kg tùy loại. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi giá bán gia súc, gia cầm lại giảm khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đối diện với nhiều khó khăn trong việc quyết định tái đàn, tăng đàn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 1, tình hình chăn nuôi cả nước phát triển tốt. Các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô, nguồn cung thịt các loại và trứng gia cầm đáp ứng đầy đủ cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2023 tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng khoảng 3,4%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tháng 1/2023 ước đạt 30 triệu USD, tăng 14,5%.
Trong khi đó, giá lợn hơi trong thời gian đầu năm đến nay vẫn chưa có sự khởi sắc. Nguồn cung thịt lợn đã hồi phục tốt trong thời gian vừa qua khiến giá lợn giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng. Vấn đề này tạo áp lực lớn đối với người chăn nuôi lợn. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2023 tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trước biến động của giá cả thị trường, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco (Hà Tĩnh) đã đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất ngay từ đầu năm. Khi giá lợn hơi xuống thấp, chỉ 49.000 – 51.000 đồng/kg trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 40% so với thời điểm năm 2021, doanh nghiệp không tránh được nỗi lo trước công tác sản xuất thời gian tới, đặc biệt là kế hoạch tái đàn. Theo báo cáo của đơn vị, năm 2022, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco lỗ 20 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2023, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tích cực hơn và dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, với quy mô 3.500 con lợn nái, mỗi tháng doanh nghiệp phải xuất ra thị trường từ 5.000 – 6.000 con lợn giống. Tuy nhiên, hiện nay chi phí chăn nuôi tăng cao, người dân đối mặt thua lỗ nên "ngại" tái đàn; đồng nghĩa doanh nghiệp không tiêu thụ được con giống và phải chuyển hướng nuôi lợn thịt. Với giá lợn hơi như hiện nay, mỗi con lợn thịt bán ra lỗ từ 700.000 – 900.000 đồng.
"Để duy trì ổn định chuỗi chăn nuôi trong bối cảnh nhiều thách thức, doanh nghiệp đang tập trung cao công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn. Cùng với đó, đầu tư sâu công tác kỹ thuật, du nhập giống ngoại để cải thiện con giống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để hạ giá thành sản xuất.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường công tác quản lý kinh tế, tiết giảm tối đa chi phí ứng phó với khó khăn của thị trường. Tiếp tục đàm phán với các ngân hàng, nhà cung cấp để tăng hoặc giữ hạn mức dư nợ, đảm bảo nguồn vốn duy trì sản xuất. Qua đó, ổn định việc làm, thu nhập cho 130 lao động và thực hiện hợp đồng liên kết chăn nuôi với nhân dân tại các địa phương trong tỉnh" – Đại diện của đơn vị cho biết thêm về kế hoạch đối phó với tình hình hiện tại để tiếp tục duy trì sản xuất.
Khảo sát trên thị trường Hà Tĩnh, giá thức ăn chăn nuôi lợn hiện dao động từ 280.000 - 370.000 đồng/bao 25 kg; thức ăn chăn nuôi gà hiện dao động từ 270.000 - 350.000 đồng/bao 25 kg. Mức giá này tăng khoảng 100.000 đồng/bao 25 kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo tính toán của người chăn nuôi lợn, trong sản xuất, chi phí thức ăn chiếm khoảng 70%. Để nuôi một con lợn thịt đạt trọng lượng trên dưới 100 kg, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (gần 4 triệu đồng). Trong khi đó, giá lợn hơi hiện chỉ đạt từ 49.000 - 51.000 đồng/kg. Với giá thành này, người chăn nuôi phải chịu lỗ.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, là chủ cơ sở lợn nái ở huyện Vũ Quang và Hương Sơn, ông Nguyễn Hải Triều cũng phải đối diện nhiều khó khăn trong kế hoạch, dự định tiếp theo. Hiện nay, với 2 trang trại có 1.300 con lợn nái, cung cấp hàng nghìn con lợn giống trong mỗi tháng. Nhưng không thể xuất bán vì người dân không mặn mà trong việc tái đàn, tăng đàn.
"Không thể xuất bán lợn giống, chúng tôi phải giữ lại nuôi nên kinh phí phát sinh rất lớn, thua lỗ càng cao. Để giảm thiểu kinh phí trong thời điểm này, trang trại đã loại thải 200 con nái kém chất lượng và không tiến hành bổ sung nái như những giai đoạn trước" – ông Nguyễn Hải Triều cho biết tình hình khó khăn hiện nay của cơ sở mình.
Giá lợn hơi thấp khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ ngại tái đàn, tăng đàn. Trước thực tế giá lợn hơi giảm sâu, những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang trong tình thế chờ đợi tình hình khá hơn mới có thể nghĩ đến nên tăng đàn, tái đàn hay không. Theo hộ chăn nuôi ở huyện Can Lộc cho biết, hiện tại xuất bán lợn thịt, phải chấp nhận lỗ gần 1 triệu đồng/con. Nên việc tái đàn hiện nay người dân không mặn mà, vì sợ sẽ tiếp tục thua lỗ.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 221 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn và vừa (riêng lợn nái có 38 cơ sở quy mô 300 con trở lên). Tổng đàn lợn tính đến thời điểm này khoảng 402.000 con và đang có xu hướng giảm.
Việc giá lợn hơi giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh. Những năm trước, ở giai đoạn đầu năm, người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, tăng đàn để phục vụ nhu cầu thị trường nhưng năm nay thì ngược lại. Theo người chăn nuôi, giá lợn hơi ở mức 56.000 - 57.000 đồng/kg mới có khả năng hòa vốn, bởi vậy, với mức giá như hiện nay, các trang trại chăn nuôi lợn đang có xu hướng cầm chừng, chỉ duy trì tổng đàn hiện có, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm thời ngừng nuôi.
Trước tình hình này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cũng có khuyến cáo: "Người chăn nuôi cần chuẩn bị sẵn sàng chuồng trại, con giống và theo dõi sát sao tín hiệu của thị trường. Khi giá lợn hơi có chiều hướng tăng lên, cần triển khai kế hoạch tái đàn, tăng đàn phù hợp gắn với các biện pháp phòng chống dịch bệnh an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí sản xuất, người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như: ngô, lúa, các phụ phẩm nông nghiệp khác để giảm nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp "leo thang" như hiện nay...".
Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) của Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu, nhưng nguồn cung trong nước mới đáp ứng khoảng 35%, số còn lại phải nhập khẩu. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và TACN. Điều đáng nói là do giá nhập nguyên liệu TACN tăng cao, khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch COVID-19 và chiến sự Nga – Ukraine nên giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng TACN trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, với việc tăng giá TACN sẽ kéo theo tăng giá lợn hơi. Tuy nhiên nó chỉ đúng trong thời gian trước Tết Nguyên đán. Và hiện nay, thị trường chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, khi giá TACN tăng cao, nhưng giá lợn hơi lại giảm rõ rệt. Trước tình hình giá lợn hơi biến động thất thường như vậy, người chăn nuôi khó có thể tái đàn với số lượng lớn.
Trước tình hình này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng vừa đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với TACN sản phẩm cung ứng ra thị trường với mức giá hợp lý.
Bộ NN&PTNT cũng mới gửi văn bản đến Bộ Tài chính đề nghị bộ này kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, làm thế nào để chủ động nguồn nguyên liệu TACN mới là giải pháp căn cơ, chiến lược để người chăn nuôi yên tâm sản xuất, tăng đàn, tái đàn, dần ổn định thị trường.
Lê DungBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.