Hà Tĩnh: Giám đốc Trần Văn Thành - Người vì 'lá phổi xanh' trên đất Hồng Lĩnh thân yêu

Địa phương
08:13 PM 28/10/2020

Quê hương Trường Lưu nay là Trường Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh, mảnh đất đã để lại những dấu ấn đậm nét về truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học, truyền thống cần cù, thông minh trong lao động sản xuất. Con người nơi đây biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Hà Tĩnh: Giám đốc Trần Văn Thành - Người vì 'lá phổi xanh' trên đất Hồng Lĩnh thân yêu

Trên mảnh đất này, đã sinh ra những nhà khoa bảng ưu tú như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… để lại cho nền văn học Việt Nam những kho báu quý giá và tiếng tăm lừng lẫy không những trong nước mà cả trên thế giới. 

Trường Lưu cũng là nơi mà Nguyễn Du đã từng vượt Truông Ngàn Hống đến với cái nôi văn hóa của đất Can Lộc rồi đắm mình vào những câu hát Phường Vải, ví Đò Đưa… Và cũng chính trên mảnh đất truyền thống đó, vào những thập niên cuối của thế kỉ XX đã hun đúc chí hướng và sản sinh ra những nhân tài có tầm và có tâm đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong số đó, có một cán bộ lãnh đạo của ngành Lâm nghiệp Hà Tĩnh, người đã hơn nửa cuộc đời mình miệt mài cống hiến để xây dựng nên "lá phổi xanh khổng lồ" trên đất Hồng Lĩnh, nơi đưa lại sự sống thiết thực cho những người dân ở các huyện thị: thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Lộc Hà của tỉnh Hà Tĩnh. Đó là ông Trần Văn Thành, nguyên huyện ủy viên, huyện ủy Nghi Xuân; nguyên Giám đốc Lâm trường Hồng Lĩnh; nguyên trưởng ban, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh.

Ông Trần Văn Thành sinh năm 1944 tại Trường Lưu nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống hiếu học. 

Năm 1962, cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngụy ở miền Nam bước vào thời kì gay go và ác liệt, vừa tròn 18 tuổi, ông đã tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ, hy vọng cầm súng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng rất nhiều đợt khám tuyển, kết quả không đáp ứng với nguyện vọng của ông (vì sức khỏe không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ). 

Hà Tĩnh: Giám đốc Trần Văn Thành - Người vì 'lá phổi xanh' trên đất Hồng Lĩnh thân yêu - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Thành, nguyên Huyện ủy viên huyện Nghi Xuân, nguyên Giám đốc lâm trường Hồng Lĩnh.

Ở lại quê nhà, ông vừa lao động sản xuất để giúp đỡ gia đình… Thương mẹ già "chạy chợ", nuôi mấy miệng ăn, 3 giờ sáng ông phải dậy gánh hai vò nước mắm xuống chợ cho mẹ bán rồi về ăn vội mấy củ khoai và cắp sách đến trường. 

Trong những ngày tháng gian khổ nhất của cuộc đời nhưng ông không bao giờ quên đèn sách và quyết tâm với chí hướng vươn lên trong học hành, thi cử. Thật sự, thực tiễn đã không phụ quyết tâm của ông, trong đợt thi Đại học năm đó, ông đã đậu loại giỏi vào khoa lâm sinh, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và được xét đi học ở nước ngoài, nhưng vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, ông phải xin ở lại trong nước để học tập. 

Giai đoạn này, đất nước đang còn nghèo, gia đình lại càng nghèo hơn, nhưng những năm tháng trong trường đại học, ông là con chim đầu đàn về tinh thần hăng say học tập, lao động và tham gia tích cực công tác đoàn thể. Tốt nghiệp loại giỏi khoa Lâm sinh Trường Đại học Lâm nghiệp, lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo Viện nghiên cứu Lâm nghiệp bố trí ông ở lại với vị trí là một cán bộ nghiên cứu khoa học. 

Nhưng với tiếng tăm của một sinh viên có năng lực và bản lĩnh đến tai các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhất là lãnh đạo ty Lâm nghiệp lúc bấy giờ, ông Lê Như Quyến với tư cách là tỉnh ủy viên, Trưởng ty Lâm nghiệp đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo Viện nghiên cứu Lâm nghiệp, ông Lê Như Quyến đã bày tỏ quyết tâm: "Núi Hồng Lĩnh không những là một danh lam thắng cảnh của tỉnh Hà Tĩnh mà còn là nơi tác động trực tiếp đến nền sản xuất và đời sống của nhân dân Hà Tĩnh. Vì vậy, chúng tôi rất cần những cán bộ làm chủ khoa học kĩ thuật như đồng chí Trần Văn Thành". 

Trở về quê hương, ở vị trí là một cán bộ kĩ thuật, ông đã cùng với đội ngũ trí thức của tỉnh trăn trở, tìm hiểu, sáng tạo, đưa những kiến thức khoa học tích lũy trong quá trình học tập để phục vụ cho sự nghiệp lâm nghiệp của tỉnh nhà. Và chính ông là người đầu tiên nghiên cứu, cải tiến loại bầu đất có trọng lượng nhẹ với đầy đủ các loại phân hỗn hợp để gieo mần cây thông và đặt cây thông bền vững trên đất Hồng Lĩnh. 

Và cũng chính ông là người đã dày công nghiên cứu đặc thù của Hồng Lĩnh nơi có vùng núi "đất cằn trơ sỏi đá" chỉ có cây thông mới đủ điều kiện để sống, sinh trưởng và mau chóng thành rừng. Có những giờ phút thi hứng, với tâm hồn nghệ sĩ, ông đã tự bộc bạch những câu thơ của chính ông: 

… Ai chưa đến hãy một lần cứ đến

Leo núi đi rừng ngắm cảnh chùa Hương…".

Với trí tuệ thiên bẩm, đầy đủ năng lực và tâm huyết, năm 1976, ông được cấp trên bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Lâm trường Hồng Lĩnh và được cử đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Sau khi tốt nghiệp, tuy mẹ già, vợ yếu, con thơ nhưng ông lại tiếp tục bút nghiên và nhận bằng loại giỏi Đại học kinh tế kế hoạch. 

Ở đây, tôi chưa nói đến những khóa học ngắn hạn về chương trình quản lý do Bộ Lâm nghiệp mở mà ông học sau này. Ở vị trí Phó Giám đốc, là một cán bộ được đào tạo chuẩn mực, bài bản, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo Lâm trường và đông đảo hàng ngũ công nhân chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình rừng núi phức tạp, tìm hướng đi và có nhiều sáng kiến để biến những vùng "đất cằn trơ sỏi đá" thành những khu rừng bạt ngàn màu xanh của cây thông và núi Hồng Lĩnh dần dần được khoác trên mình một màu xanh bền vững. 

Với tầm nhìn có tính chiến lược cùng thành quả trồng rừng và lượng hóa mọi vấn đề đi trước có tầm vĩ mô của ông, để đáp ứng với xu thế lúc bấy giờ, năm 1984, ông được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Lâm trường Hồng Lĩnh. 

Hà Tĩnh: Giám đốc Trần Văn Thành - Người vì 'lá phổi xanh' trên đất Hồng Lĩnh thân yêu - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thành cùng với phóng viên báo đi kiểm tra rừng.

Năm 1984 đến năm 1992 là những năm mà tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều biến động phức tạp về chính trị và kinh tế, nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ, đã ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam nói chung và Lâm trường Hồng Lĩnh nói riêng. Là người đứng đầu một Lâm trường, ông đã vắt óc suy nghĩ phải làm gì để nuôi sống mấy chục cán bộ và mấy trăm công nhân chưa đến tuổi nghỉ chế độ?

Như trên đã nói, núi Hồng Lĩnh là nơi "đất cằn trơ sỏi đá" biết kinh doanh gì đây? Với bài toán khó này, ông đã mất ăn, mất ngủ để tìm ra một hình thái sản xuất trên rừng Hồng Lĩnh, lấy thành quả trồng rừng nuôi sống số cán bộ, công nhân viên để có lực lượng bảo vệ màu xanh cho rừng Hồng Lĩnh. 

Và ông là người đã đưa mô hình khai thác nhựa thông và dùng hình thức đánh số cây thông bằng phương pháp toán học để quản lý lý lịch từng cây thông, quản lý kĩ thuật, quản lý sản phẩm. Nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh đã đánh giá rất cao về sáng kiến khoa học này của ông. 

Vào thời điểm bấy giờ, chưa có một lâm trường nào của tỉnh Hà Tĩnh làm được như vậy. Với tầm nhìn xa, trông rộng, rất nhiều cuộc họp ở tỉnh và huyện, ông đã có những quan điểm tiến bộ nhìn nhận trước về rừng Hà Tĩnh nói chung và rừng Hồng Lĩnh nói riêng: "Không có rừng Hồng Lĩnh thì không thể có thị xã Hồng Lĩnh, không có thị xã Hồng Lĩnh thì không thể có một nền kinh tế phát triển mạnh ở phía Bắc của Hà Tĩnh"

Cho đến thời điểm hiện nay, quan điểm nói trên của ông vẫn còn nguyên giá trị. Nó có tác dụng biện chứng và ngày một phát triển đi lên. Và chính từ quan điểm đó mà ông đã mất nhiều công sức và trí tuệ để chuyển đổi từ một lâm trường thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh hiện nay. 

Và cũng từ quan điểm đó mà từ khi có "Chương trình 327" sau này là "Chương trình 661" đôi chân của ông đã đi mòn lối trên các đỉnh Non Hồng. Tầm nhìn thận trọng của ông là trồng đến đâu phải thành rừng đến đó và quyết tâm phủ xanh những vùng đất trống đồi núi trọc trên đất Hồng Lĩnh.

Ngoài sự tận tâm với rừng, đối với cấp trên ông là người trung thực như anh em trong một nhà, không mĩ miều, hoa mỹ, xu nịnh. Chính từ cách sống đó mà khi cấp trên điều ông về Nghi Xuân, cơ cấu Phó Chủ tịch huyện để có điều kiện thăng quan tiến chức nhưng ông một mực từ chối. 

Anh em, đồng chí trong cơ quan coi ông là người thầy, người cha, người anh ân cần gần gũi và kính trọng. Ông đau, khi cấp dưới của ông có những nỗi đau riêng, ông quan tâm hết mực đối với hoàn cảnh riêng của mỗi công nhân. 

Trên 99 đỉnh Non Hồng, cho dù lịch sử có thay đổi nhưng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ công nhân viên chức và lãnh đạo ngành Lâm nghiệp, đại đa số nhân dân tâm huyết về rừng đều khẳng định: Ông Trần Văn Thành là người đặt nền móng bền vững, quan trọng đầu tiên trong các chương trình về rừng trên bốn huyện, thị của tỉnh Hà Tĩnh.

Hôm nay, ông đã về với các bậc thiên cổ, yên nghỉ dưới chân Núi Hồng bốn mùa thông reo, gió hát là thành quả trồng rừng mà cả cuộc đời của ông hằng mong ước. Tôi là một trong hàng vạn người được sống dưới chân núi Hồng Lĩnh và được hưởng những thành quả trồng rừng của thế hệ đi trước, trong đó ông Trần Văn Thành đã đưa hết trí tuệ, tâm đức chèo lái…

Với tấm lòng thành kính, tôi đã dày công tìm hiểu để viết nên những dòng tâm huyết này thay cho nén hương thơm kính dâng lên hương hồn ông nơi "tiên cảnh"! 

Để kết thúc bài viết, tôi xin trích mấy câu thơ: 

Hồng Lĩnh ơi! Ngàn vạn độ xuân sang

Chỉ thấy trơ trơ đất cằn sỏi đá

Lâm trường mở ra những mùa xuân mới lạ/

Từng hàng cây, ngọn cỏ, mỗi cành hoa"

Hay : 

... Ai qua đó bên ngã ba Bãi Vọt

Nghe tình rừng trỗi dậy giữa không gian

Thị xã tưng bừng với sức trẻ hiên ngang …

Dương Chí Sỹ
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…