Hà Tĩnh: Hàng dệt và may mặc tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh.
Bứt tốc những tháng cuối năm, mặt hàng dệt và may mặc tại Hà Tĩnh có mức tăng cao nhất trong các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh trong 10 tháng năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt, may mặc ước đạt 21,1 triệu USD, tăng 137,61% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có sự phục hồi sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19, dần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Càng tiến gần với thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu trên địa bàn càng nỗ lực "bứt tốc" để đạt tối đa hiệu quả sản xuất, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Theo số liệu từ Sở Công thương Hà Tĩnh, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1,424 tỷ USD, giảm 18,09% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân giảm chủ yếu là do giá và sản lượng thép, phôi thép xuất khẩu của Formosa Hà Tĩnh (mặt hàng chiếm tỷ trọng trên 90% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh) giảm. Theo đó, trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Formosa ước đạt gần 1,295 tỷ USD, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng giảm so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản giảm gần 14%; xơ sợi dệt các loại giảm gần 15%
Trong các nhóm mặt hàng xuất khẩu, hàng dệt và may mặc là sản phẩm có mức tăng cao nhất, ước đạt 21,1 triệu USD, tăng 137,61% so với cùng kỳ. Hai mặt hàng khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 10 tháng qua là chè (tăng hơn 5%) và dăm gỗ (tăng 45%).
Theo phân tích từ một số doanh nghiệp may xuất khẩu, mặt hàng dệt và may mặc có sự tăng trưởng tốt là nhờ tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nên việc cung ứng nguyên liệu, khâu vận chuyển hàng đảm bảo thông suốt và đơn hàng từ thị trường các nước đối tác thương mại ổn định hơn năm trước.
Còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022, hiện nay, các đơn vị tham gia hoạt động xuất khẩu đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng lượng hàng xuất khẩu để đạt kim ngạch cao nhất. Ngành công thương cũng tập trung các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động và phát triển thị trường.
Lê DungLượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.