Hà Tĩnh: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
Ngày 17/4, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2024).
Dự lễ có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội...
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo tỉnh Khăm Muồn (nước CHDCND Lào); lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong cả nước; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; chức sắc tôn giáo; nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học; thân nhân gia đình, dòng họ đồng chí Trần Phú.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Phú - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đầy tài năng của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Trần Phú, sinh ngày 01/5/1904, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh - Phú Yên nằm trên dải đất miền Trung, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; cùng với truyền thống gia đình đã dưỡng dục nên một người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Mùa hè năm Nhâm Tuất 1922, đồng chí Trần Phú thi đậu thủ khoa kỳ thi Thành chung Trường Quốc học Huế. Để nối nghiệp gia đình, đồng chí Trần Phú đã khước từ chốn quan trường, vào làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn - nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Mùa Xuân năm 1927, đồng chí được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva. Tháng 11-1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Đồng thời đã chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng xuất bản Báo Cờ Vô sản - cơ quan ngôn luận của Đảng; Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng của kẻ thù.
Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Tại bốt Ca-ti-na, kẻ thù hèn hạ cắt gân bàn chân, dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng đồng chí Trần Phú vẫn kiên quyết không khai báo. Trong lao tù, đồng chí đã cùng đồng đội tổ chức đấu tranh lên án chế độ thực dân. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới bước vào tuổi 27 - độ tuổi đầy nhiệt huyết, tài năng.
Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm, nhưng để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, kế tục truyền thống cách mạng của quê hương, học tập tấm gương Tổng Bí thư Trần Phú và các vị tiền bối cách mạng, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục cùng với Nhân dân cả nước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hà Tĩnh luôn kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương; thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Nêu cao ý chí, khát vọng, chủ động, sáng tạo, với tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành trong khu vực, với các tỉnh của nước bạn Lào. Duy trì hợp tác hiệu quả với các đối tác truyền thống, mở rộng quan hệ với các đối tác mới, tranh thủ tối đa nguồn vốn, khoa học - công nghệ và trình độ quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc" - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh bày tỏ quyết tâm.
Tiếp đó, đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" tái hiện những dấu mốc quan trọng trong suốt cuộc đời hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Khí phách Hồng Lam; Người cộng sản kiên trung; Quê hương vang mãi lời anh. Với những màn hoạt cảnh sân khấu kết hợp các tiết mục ca múa được đầu tư chỉn chu từ nội dung đến nghệ thuật, đã tái hiện sâu sắc câu chuyện về quá trình giác ngộ đi tìm lý tưởng cách mạng của đồng chí Trần Phú, người viết nên Luận cương chính trị đầu tiên và trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Lê DungTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.