Hà Tĩnh: Nâng khống giá thiết bị y tế, khởi tố thêm nhiều giám đốc bệnh viện
Vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh đã khởi tố 5 cựu giám đốc các bệnh viện và 3 kế toán.
Liên quan đến vụ án này, 5 cựu Giám đốc các bệnh viện Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân và 3 kế toán bị khởi tố về cùng tội danh "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Trước đó Cơ quan Điều tra đã thay đổi tội danh đối với bị can Mai Thị Hoa, Giám đốc Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh, từ tội "Trốn thuế" thành tội "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"
Các giám đốc bệnh viện huyện bị khởi tố gồm Hà Thanh Sơn – cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân, Lê Thế Nhiên - cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc, Trần Văn Nhân - cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Nguyễn Quang Hòe – cựu Giám đốc Bệnh viện huyện Hương Sơn, Lê Văn Bình - cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà.
Theo hồ sơ của Cơ quan Điều tra, có thể thấy các vị giám đốc, kế toán là đồng phạm với Mai Thị Hoa, Giám đốc Công ty Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh trong vụ án này, cùng thực hiện hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu theo Khoản 3, Điều 222 Bộ Luật Hình sự.
Trước đây, Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị đã đưa tin, phân tích về hành vi của bà Mai Thị Hoa và nhận định: Qua điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, nếu cơ quan chức năng chứng minh được có vi phạm khi thực hiện các quy trình, quy định trong thi hành nhiệm vụ biểu hiện bởi các hành vi như thông thầu, gian lận trong đấu thầu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu…, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng thì các cán bộ, viên chức liên quan có thể đối mặt với tội danh "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" như trong vụ án tại CDC Hà Nội.
Nhận định đó đã trở thành sự thật bởi lẽ, khi sử dụng vốn nhà nước, việc mua sắm của các cơ quan nhà nước được quy định chi tiết trong Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính. Nếu tuân thủ các quy định trong thông tư này từ việc quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; thẩm định lựa chọn nhà thầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; v.v… thì rất khó xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản của nhà nước.
Việc 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp khi nhà thầu mua vào chỉ hơn 2 tỷ đồng nhưng đã cung cấp cho 4 bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh với giá gần 12 tỷ đồng đã gây nên cú sốc cho dư luận. Nếu việc đấu thầu, chào hàng cạnh tranh thực sự công khai, minh bạch thì khó một doanh nghiệp thương mại nào có thể chào bán được giá cao đến mức như vậy.
Ví dụ, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân làm chủ đầu tư gói thầu mua sắm thiết bị, với giá do chủ đầu tư đưa ra là 2.700.000.000 đồng. Việc lựa chọn nhà thầu được tổ chức qua mạng. Kết quả, chỉ có một nhà thầu duy nhất tham gia là Công ty Cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh tham gia và trúng thầu với mức giá 2.597.000.000 đồng. Giá trúng thầu giảm 103 triệu, giảm so với giá chủ đầu tư chưa đến 4%.
Trao đổi với phóng viên, Ban giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang tiếp tục điều tra. Việc mở rộng vụ án tới một loạt lãnh đạo bệnh viện như vậy cho thấy quyết tâm chống tiêu cực của Công an tỉnh và Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Thái QuảngĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.