Hà Tĩnh: Ngày hội tri thức lan tỏa tinh thần đọc sách đến cộng đồng
Sáng 19/4/2025, trong không khí hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 đã diễn ra tại Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Khi văn hóa đọc trở lại thành tâm điểm

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Viết Trường - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh nhấn mạnh: "Văn hóa đọc không chỉ là hành vi cá nhân mà còn là thước đo trình độ dân trí, là nền tảng phát triển bền vững của một xã hội văn minh". Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, khơi dậy tình yêu với sách trong cộng đồng - nhất là với thế hệ trẻ, những người sẽ viết tiếp những trang sử mới cho dân tộc.

Ông Nguyễn Viết Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động hưởng ứng phong trào đọc sách và xây dựng văn hóa đọc.
Dẫn lời nhà bác học Lê Quý Đôn: "Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng - Chẳng bằng kinh sử một vài pho", ông Trường như muốn nhắc nhở rằng, trong thời đại mà điện thoại di động có thể trở thành "nồi lẩu tinh thần" khiến người ta lười tư duy, thì sách vẫn là người bạn tri kỷ, là kho tri thức vô giá và cũng là liệu pháp tinh thần không thể thay thế.

Em Hồ Phương Linh, học sinh lớp 11 Anh 1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh phát biểu hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Sự kiện năm nay được tổ chức với thông điệp sâu sắc: "Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng", "Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo". Những khẩu hiệu này không chỉ dừng ở lời kêu gọi, mà được thể hiện bằng chuỗi hoạt động phong phú: triển lãm sách với 10 gian hàng được thiết kế công phu, hàng nghìn đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như lịch sử, kỹ năng sống, văn hóa, nghệ thuật, khoa học - công nghệ được trưng bày; chương trình thuyết trình, giới thiệu sách do chính các em học sinh thực hiện; nói chuyện chuyên đề về đọc sách trong thời đại số; quyên góp sách và thiết bị cho các tủ sách cộng đồng...
Một điểm nhấn cảm động của buổi lễ là phần phát biểu hưởng ứng của em Hồ Phương Linh - học sinh lớp 11 Anh 1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Với giọng nói đầy cảm hứng, Linh chia sẻ niềm say mê với từng trang sách, khẳng định rằng đọc sách không chỉ giúp em khám phá thế giới mà còn học cách làm người: sống có mục tiêu, có lý tưởng, biết yêu thương và sẻ chia.

Thư viện tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng sách trị giá 45 triệu đồng cho ba đơn vị: Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, Trường THCS Trà Linh (xã Phú Lộc) và Thư viện xã Xuân Lộc (huyện Can Lộc).
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Thư viện tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng sách trị giá 45 triệu đồng cho ba đơn vị: Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, Trường THCS Trà Linh (xã Phú Lộc) và Thư viện xã Xuân Lộc (huyện Can Lộc). Đây là món quà ý nghĩa, tiếp thêm động lực cho việc xây dựng các tủ sách học đường và thư viện cộng đồng.
Lan tỏa một hành trình bền bỉ
Không chỉ là sự kiện trong ngày, Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Hà Tĩnh còn đánh dấu bước đi bền bỉ trong nỗ lực xây dựng một xã hội học tập. Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, nhiều năm qua, tỉnh đã không ngừng đầu tư vào phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động như luân chuyển sách, tổ chức thi cảm nhận sách, xây dựng thư viện và tủ sách gia đình, phát động các phong trào "mỗi tuần một cuốn sách", "mỗi ngày một trang sách"...

Các đại biểu tham quan gian hàng sách và lắng ngeh chia sẻ của các em học sinh.
Các doanh nghiệp phát hành sách như Alpha Books, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh cũng tích cực đồng hành qua nhiều chương trình ưu đãi và khuyến mãi, đưa sách đến gần hơn với mọi đối tượng độc giả.
Ở góc độ xã hội học, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò không thể thay thế của sách. Theo báo cáo năm 2023 của UNESCO, đọc sách thường xuyên giúp nâng cao khả năng ngôn ngữ, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề của người đọc - những kỹ năng cốt lõi trong thời đại chuyển đổi số. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) tại Việt Nam cho thấy, học sinh có thói quen đọc sách ít nhất 20 phút mỗi ngày thường có kết quả học tập và khả năng ngôn ngữ tốt hơn nhóm không đọc đến 35%.

Mỗi trang sách là một hạt giống gieo vào tâm hồn, là một bước tiến vững chắc trên hành trình kiến tạo tương lai.
Trong bối cảnh mạng xã hội và công nghệ số ngày càng chi phối đời sống tinh thần của giới trẻ, việc duy trì thói quen đọc sách trở thành một thử thách, nhưng không phải là không thể. Sách vẫn luôn có những giá trị trí thức không gì có thể thay thế được.
Như chia sẻ của em Trương Ngọc Linh - học sinh lớp 11 Sử, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh khi giới thiệu cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh: "Sách không chỉ kể lại quá khứ mà còn giúp em hiểu sâu sắc hơn giá trị của độc lập, tự do và sự hi sinh của cha ông. Qua đó, em học được cách trân trọng hiện tại và sống có trách nhiệm hơn với tương lai".
Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025 tại Hà Tĩnh đã khép lại trong sự hào hứng và phấn khởi. Nhưng hơn cả một buổi lễ, đó là lời hiệu triệu mạnh mẽ gửi đến từng gia đình, từng lớp học, từng người dân về trách nhiệm duy trì và phát triển văn hóa đọc - nền tảng của tri thức, nhân cách và sự phát triển bền vững.

Các em học sinh hào hứng tham quan gian hàng sách điện tử.
Có thể nói, trong dòng chảy hiện đại đầy biến động, khi tin giả, thông tin nhiễu loạn tràn lan, thì sách - với vai trò là nguồn thông tin đã được kiểm chứng và có chiều sâu - vẫn là ngọn đèn soi sáng hành trình trí tuệ của con người. Mỗi trang sách là một hạt giống gieo vào tâm hồn, là một bước tiến vững chắc trên hành trình kiến tạo tương lai. Và từ Hà Tĩnh - mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, hành trình đó đang được nối dài bằng sự vào cuộc của toàn xã hội.
Lê Dung
Với gần 200 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc trải rộng 9 nhóm lĩnh vực, Sao Khuê 2025 đã góp phần minh chứng cho sự bứt phá của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.