Hà Tĩnh: Những "ngã rẽ" thành công

Địa phương
09:24 AM 22/03/2023

Táo bạo trong chuyển đổi nghề, họ đã thành công khi dám chấp nhận thử thách đầu tư trong lĩnh vực mới, tạo dựng nên những mô hình kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho nguồn thu nhập khá, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn.

Xuất thân từ công việc khoan giếng và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng đến năm 2020, anh Nguyễn Huy Phố (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) quyết định chuyển đổi nghề nghiệp. Sau khi tìm hiểu một số mô hình làm kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, nhận thấy mô hình nuôi gà liên kết ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) rất phát triển, có hiệu quả kinh tế lâu dài nên anh Phố rất hứng thú với công việc này. Quyết tâm và tập trung vào lĩnh vực mới, anh Phố đã bán hết máy móc và đồ nghề khoan giếng, thế chấp bìa đất, vay thêm 1 tỷ đồng mua những khu đất quanh vườn nhà để đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi gà.

Hà Tĩnh:  Những “ngã rẽ” thành công. - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi của anh Phố cũng là một trong những trại nuôi gà liên kết quy mô lớn tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Ban đầu, người "tay ngang" như anh gặp không ít khó khăn nhưng nhờ chăm chỉ học hỏi nên anh đã sớm tích lũy được kinh nghiệm cho mình. Thời điểm đầu, với 1.200 m2 chuồng trại, anh Phố nuôi thử hơn 10.000 con gà. Kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm còn ít nên anh Phố nhiều lúc phải "gánh" lỗ do cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho gà chưa đúng quy trình.

"Thời gian đầu khởi nghiệp với mô hình mới tôi còn nhiều bỡ ngỡ, chưa nắm rõ quy trình chăm sóc vật nuôi nên một số lứa gà phải chịu lỗ do dịch bệnh. Sau những lần như vậy, tôi đúc rút kinh nghiệm, tích cực học hỏi nên trang trại dần đi vào hoạt động ổn định, đàn gà ít mắc bệnh hơn trước và cho doanh thu tốt hơn" - anh Phố chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện tại, trang trại của anh Phố đã được mở rộng với diện tích hơn 3,5 ha, trong đó, nuôi gà cỏ mía liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, quy mô 12.000 - 14.000 con/lứa. Đơn vị liên kết sẽ cung cấp con giống cũng như kỹ thuật, quy trình chăm sóc và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Chủ trang trại chỉ cần đầu tư chuồng trại, chăm sóc đàn gà theo quy trình chặt chẽ của công ty và phòng dịch bệnh theo hướng dẫn.

Được biết, mô hình của anh Phố cũng là một trong những trại nuôi gà liên kết quy mô lớn trên địa bàn huyện Can Lộc. Theo anh Phố, mỗi lứa gà trung bình từ 100 - 105 ngày sẽ xuất chuồng, mỗi năm có thể xoay vòng được 3 lứa, thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm.

Hà Tĩnh:  Những “ngã rẽ” thành công. - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Huy Phố còn trồng cam "tăng gia sản xuất" cho thu nhập gần 150 triệu/năm

Nhờ có quỹ đất rộng, ham học hỏi và chăm chỉ lao động, anh Phố còn trồng hơn 1.200 gốc cam Thượng Lộc. Bình quân mỗi năm thu về khoảng 10 tấn cam thương phẩm, sau khi trừ chi phí gia đình có thêm nguồn thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ cam chủ yếu ở Nghệ An và một số chợ đầu mối trên địa bàn Can Lộc.

Với anh Nguyễn Trọng Tuệ (xã Tân Dân, huyện Đức Thọ), "ngã rẽ" chuyển đổi nghề nghiệp là một sự quyết tâm táo bạo. Từ một ông chủ nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, anh Tuệ quyết định đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng khoa học công nghệ cao. 

Về sự thay đổi này, anh Tuệ chia sẻ: "Bản thân tôi nhận thấy công việc làm nhà hàng không phù hợp với mình, và tôi vẫn luôn suy nghĩ đến việc chuyển đổi công việc phù hợp hơn, đúng sở thích và sở trường của mình. Sau đó, tôi có cơ hội được tham quan tìm hiểu và học hỏi những mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tôi thấy đây là một lĩnh vực thú vị và rất có khả thi. Vì thế tôi đã chuyển nhượng lại nhà hàng để làm vốn khởi nghiệp. Cuối năm 2021, tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới tại thôn Tân Mỹ".

Hà Tĩnh:  Những “ngã rẽ” thành công. - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Trọng Tuệ đã có được "quả ngọt" với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Từ những bước ban đầu như vốn đầu tư xây dựng, nghiên cứu kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, đến nay, anh đã làm chủ hệ thống nhà màng diện tích hơn 2.000 m2. Mỗi năm, ngoài chuyên canh 2 vụ dưa lưới, anh Tuệ còn ươm giống dưa chuột bao tử Hà Lan nhằm tăng thu nhập. Hiện mô hình hoạt động ổn định, cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, anh còn thuê 3 lao động là đoàn viên thanh niên địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Cùng có chí hướng làm kinh tế trên quê hương, anh Nguyễn Minh Phong (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ) quyết tâm về Hà Tĩnh lập nghiệp sau 3 năm làm kỹ sư khai thác mỏ cho nhiều công ty ngoại tỉnh. Gia đình anh Phong là hộ sản xuất lưỡi cưa thủ công đã lâu năm. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây không mang lại hiệu quả, công sức bỏ ra nhiều nhưng lợi nhuận thu về thấp.

Trước tình hình đó, anh Phong đã trăn trở và suy nghĩ tìm kiếm giải pháp để khôi phục nghề của gia đình một cách có hiệu quả. Mạnh dạn tìm hiểu và học hỏi, cũng như vận dụng những kinh nghiệm sau những năm làm nghề kỹ sư, anh Phong đã vạch ra phương án nâng cấp xưởng sản xuất, đưa máy móc để tự động hóa quy trình.

Hà Tĩnh:  Những “ngã rẽ” thành công. - Ảnh 4.

Nhiều lao động trẻ được làm việc và đạo tào tay nghề tại cơ sở lưỡi cưa Phong Hoa.

Nghĩ là làm, năm 2016, anh mạnh dạn đầu tư 2,5 tỷ đồng mua các thiết bị như máy dập lưỡi cưa, hàn lưỡi cưa tự động, máy mài… và thuê mặt bằng hơn 300 m2 tại thôn Bình Định (Thanh Bình Thịnh) để làm nhà xưởng sản xuất lưỡi cưa với thương hiệu lưỡi cưa Phong Hoa.

Đến nay, lưỡi cưa Phong Hoa đã có mặt trên toàn quốc với đa dạng mẫu mã như lưỡi cưa sắt, lưỡi cưa gỗ, lưỡi cưa cắt giấy bìa. Hiện cơ sở của anh còn nhận cung cấp lưỡi cưa thực phẩm đông lạnh cho Công ty CP Masan Việt Nam. "Ngã rẽ" của anh đã thành công khi vực dậy được nghề truyền thống của gia đình và xây dựng được Cơ sở lưỡi cưa Phong Hoa đang hoạt động ổn định với lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 công nhân với mức lương 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Hà Tĩnh:  Những “ngã rẽ” thành công. - Ảnh 5.

Ông chủ Nguyễn Minh Phong đã vực dậy thành công nghề làm lưỡi cưa lâu năm của gia đình.

Những ông chủ làm kinh tế giỏi ngay trên mảnh đất quê hương Hà Tĩnh đã chứng minh được câu nói "có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Và hơn hết, đó là sự quyết tâm, nhạy bén và nghiêm túc với công việc mình lựa chọn. Sự thay đổi là cần thiết khi bản thân muốn tìm hướng đi mới để tạo động lực mới, nhưng ở trong lĩnh vực nào, trong công việc nào, cũng đòi hỏi sự lao động miệt mài và cả sự táo bạo, bứt phá trong tư duy.

Lê Dung
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.