Hà Tĩnh: Nỗ lực thực hiện kế hoạch tín dụng chính sách

Địa phương
07:09 AM 23/10/2024

Sáng 21/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phiên họp thường kỳ đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2024.

Trong 9 tháng qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh chủ động bám sát Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH; Nghị quyết Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hà Tĩnh: Nỗ lực thực hiện kế hoạch tín dụng chính sách- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Theo đó, thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh về hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và đạt kết quả tốt.

Đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 7.113,8 tỷ đồng, tăng 325 tỷ đồng (tương đương mức tăng 4,9%) so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 7.004,8 tỷ đồng với 102.898 khách hàng còn dư nợ; nợ quá hạn 2,39 tỷ đồng (giảm 681 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,034%/tổng dư nợ), nợ khoanh 2,9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,041%/tổng dư nợ).

9 tháng năm 2024, vốn tín dụng chính sách đã cho vay hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 5.782 lao động; giúp 867 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; xây dựng gần 14.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa 118 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách. Vốn tín dụng chính sách góp phần khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hà Tĩnh: Nỗ lực thực hiện kế hoạch tín dụng chính sách- Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Ngọc Hà – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các đại biểu phân tích, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn và đề xuất, gợi mở một số giải pháp để nâng cao hiệu quả các chương trình cho vay tại Ngân hàng CSXH.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà khẳng định: 9 tháng năm 2024, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, song hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.

Hà Tĩnh: Nỗ lực thực hiện kế hoạch tín dụng chính sách- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà kết luận cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn của tín dụng chính sách trên địa bàn như: vốn ngân sách địa phương ủy thác còn thấp so với mặt bằng chung cả nước; tỷ trọng nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH chưa cao; hộ có mức sống trung bình cần nguồn lực để phát triển kinh tế lại không thuộc đối tượng được vay vốn; hoạt động ủy thác của một số tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế...

Triển khai nhiệm vụ quý IV/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng CSXH tỉnh tham mưu triển khai thực hiện các nội dung theo Nghị quyết số 33/NQ-HĐQT ngày 23/8/2024 Hội đồng quản trị quý II năm 2024 của Ngân hàng CSXH Việt Nam.

Giao Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung thêm nguồn vốn ngân sách địa phương các năm cho Ngân hàng CSXH; Sở LĐTB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành, thị rà soát, bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm làm căn cứ cho Ngân hàng CSXH triển khai cho vay theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.

Cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện nâng cao công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách; từng thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh phát huy vai trò chỉ đạo, kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách.

Yêu cầu các tổ chức hội nhận uỷ thác thực hiện tốt các nội dung công việc được ủy thác, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức hội cấp cơ sở, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các huyện, thị, thành tham mưu cấp ủy đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện và cơ sở; nghiên cứu, đề xuất bổ sung lồng ghép cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khi xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn…

Giao Ngân hàng CSXH tỉnh tham mưu Tỉnh ủy ban hành thông báo kết luận sau hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;tập trung quyết liệt thực hiện kế hoạch tín dụng được giao; phối hợp với Tỉnh đoàn, Công an tỉnh triển khai cho vay theo Nghị quyết 127/2024/NQ-HĐND ngày 18/7/2924 của HĐND tỉnh về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2026 và Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù...

Lê Dung
Ý kiến của bạn