Hà Tĩnh: Phát huy vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn phát triển
Chú trọng khơi dậy phong trào thi đua sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao cho tỉnh; tập trung những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bắt kịp xu thế, kịp thời tham mưu cho tỉnh các chính sách về Khoa học Công nghệ (KHCN)... là một số đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tại buổi làm việc mới đây với Sở Khoa học và Công nghệ.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về một số nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn chủ trì buổi làm việc. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng dự.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn báo cáo cụ thể các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn thời gian qua. Theo kết quả đạt được, công tác KH&CN đã có những đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh và cả nước.
Từ năm 2020 đến nay, Sở KH&CN đã chỉ đạo triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ cấp Nhà nước thuộc Chương trình Quỹ gen; 11 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 64/ 87 đề tài, dự án cấp tỉnh đã nghiệm thu với nhiều kết quả tích cực. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có nhiều kết quả nổi bật, đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 2.750 đối tượng sở hữu công nghiệp được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, tăng hơn 8 lần so với năm 2015; có 15 sản phẩm được đăng ký bảo hộ thương hiệu. Qua đó, góp phần phát triển, nâng cao uy tín, chất lượng và tính cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp hình thành và phát triển Quỹ KHCN; 19 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Sở KH&CN cũng đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho 6 đơn vị.
Cùng với công tác quản lý, thực hiện chức năng nhiệm vụ, Sở cũng đã chủ động hợp tác với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học ứng dụng, chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển KT-XH của địa phương; triển khai dự án hợp tác quốc tế với Lào và hỗ trợ các tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn trang thiết bị và đào tạo nhân lực KH&CN.
Hiện nay, Sở KH&CN có 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự trang trải 100% kinh phí chi thường xuyên. Thông qua quá trình tự chủ đã tạo động lực phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ và người lao động, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ KH&CN phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN vẫn còn một số hạn chế như: việc tham mưu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các ngành, địa phương còn ít, chất lượng chưa cao; hoạt động các đơn vị sự nghiệp sau chuyển đổi vẫn gặp nhiều khó khăn; năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn thấp.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số nội dung về xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư trang thiết bị phát triển ngành KH&CN; các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN… Đặc biệt, ứng dụng và áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất tại địa phương được nhiều đại biểu quan tâm và chia sẻ.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực KH&CN và ghi nhận những kết quả đạt được của ngành KH&CN, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại như: thị trường KH&CN phát triển chậm; tốc độ đổi mới công nghệ chậm; chưa gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng; việc ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở KH&CN bám sát, cụ thể hóa chủ trương chính sách về phát triển KH&CN; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển KH&CN; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo phân cấp, thẩm quyền được giao; nghiên cứu và ứng dụng các đề tài dự án thuộc lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên.
Nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của sở đối với những vấn đề lớn của tỉnh; nâng cao chất lượng đề tài khoa học; khơi dậy phong trào thi đua sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao cho tỉnh.
Phối hợp thường xuyên và hiệu quả với Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh trong nghiên cứu, đặt hàng đề tài khoa học; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đã được phê duyệt trong lĩnh vực KH&CN.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính quan tâm đúng mức việc cân đối, tham mưu, bố trí ngân sách chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với Sở KH&CN trong thực hiện nhiệm vụ.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở KH&CN cần phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết; tập trung những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của tỉnh về phát triển KH&CN; bắt kịp xu thế, kịp thời tham mưu cho tỉnh các chính sách về KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển.
Lê DungTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.