Hà Tĩnh: Phát triển bưởi Phúc Trạch song song với bảo tồn nguồn giống
Dự án Bảo tồn, nhân giống và phát triển bưởi Phúc Trạch giai đoạn I đã hoàn thành hai năm nay và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc tăng diện tích, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao chất lượng cây giống.
Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là loại cây ăn quả chủ lực phát triển kinh tế và được xem là "Đệ nhất danh quả" của huyện miền núi Hương Khê. Và là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh được xếp vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020 và Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản bưởi Phúc Trạch. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm cấm không được xuất khẩu giống.
Hiện vùng núi Hương Khê có 19 xã trồng bưởi Phúc Trạch với tổng diện tích khoảng 2714 ha, trong đó có hơn 1920 ha bưởi đã cho thu hoạch với sản lượng bưởi ổn định hàng năm trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Đặc biệt xã Hương Trạch là "thủ phủ" trồng bưởi ở huyện Hương Khê với hơn 1.000 hộ dân trồng bưởi, diện tích gần 500ha. Khoảng sau tháng 8 dương lịch bưởi bắt đầu vào chính vụ, đó là lúc quả bưởi đạt trọng lượng, hàm lượng dinh dưỡng và độ ngọt thanh đạt mức cao nhất. Trồng bưởi Phúc Trạch trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của người dân địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Nhằm phát triển và đi đôi với bảo tồn cây giống, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai Dự án bảo tồn, nhân giống và phát triển bưởi Phúc Trạch. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I sau hơn hai năm và cho thấy hiệu quả khả quan. Dự án có tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng cho các hạng mục: xây dựng hệ thống 5 nhà lưới tại Cơ sở bảo tồn quỹ gen và nhân giống bưởi Phúc Trạch; xây dựng đường, hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung.
Các hạng mục của dự án đang phát huy hiệu quả rõ nét, trong đó hệ thống 5 nhà lưới mỗi năm sản xuất được 18 ngàn cây giống, sử dụng có hiệu quả nguồn gen bưởi Phúc Trạch trong việc nhân giống đảm bảo chất lượng, số lượng phục vụ cho việc mở rộng diện tích trồng bưởi
Trong giai đoạn 1, Dự án bảo tồn, nhân giống và phát triển bưởi Phúc Trạch đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông 3,5 km với với số vốn đầu tư 16 tỷ đồng, đã tạo điều kiện thuận lợi để giúp người dân có thể khai thác trên 50 ha đất vùng đồi thấp thuộc hai xã Hương Trạch, Phúc Trạch để trồng bưởi.
Với sự thuận lợi về hạ tầng giao thông và chất lượng cây giống được nâng lên, đến nay người dân các xã Hương Trạch, Phúc Trạch đã trồng thêm được 10 ha bưởi ở vùng đồi được quy hoạch, và đang tiếp tục mở rộng diện tích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện mục tiêu đưa cây bưởi Phúc Trạch thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
Với việc nghiên cứu tăng năng suất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, sử dụng có hiệu quả nguồn gen bưởi Phúc Trạch, Dự án bảo tồn, nhân giống và phát triển bưởi Phúc Trạch giai đoạn I, đã góp phần thác hiệu quả những vùng đất có tiềm năng, tăng diện tích bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Với vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ là yếu tố quan trọng trong hương vị của bưởi Phúc Trạch, rất thích hợp với khẩu vị của nhiều người tiêu dùng. Mỗi quả bưởi đạt tiêu chuẩn có trọng lượng từ 0,7 đến 1,5kg; bên trong có màu phớt hồng, rất dai, rất dễ bóc tách. Hương vị bưởi Phúc Trạch ai đã từng thưởng thức sẽ không quên được vị riêng của bưởi. Bởi vì thế bưởi Phúc Trạch không chỉ là sản vật mà nó còn là sự kết tinh nét đẹp văn hóa của đất, trời, con người Hà Tĩnh.
Lê DungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.