Hà Tĩnh: Sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét

Địa phương
11:31 AM 31/05/2024

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Hồi 7 giờ ngày 31/5, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.

Hà Tĩnh: Sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét- Ảnh 1.

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông lúc 2h sáng 31/5/2024

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết Vinh và định vị sét cho thấy, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mây đối lưu phát triển, trong đó phát triển mạnh tại khu vực: Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ; độ phản hồi vô tuyến lớn nhất: 48 dbz; di chuyển theo hướng: Tây Nam, tốc độ di chuyển khoảng: 10-15km/h.

Hiện tại đến 4 giờ tới những đám mây đối lưu này tiếp tục gây mưa rào và dông, cục bộ có mưa to tại các khu vực trong tỉnh đặc biệt khu vực Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Lĩnh, Sơn Tây của huyện Hương Sơn, Sơn Thọ, Hương Điền, thị trấn Vũ Quang (Vũ Quang), Hương Khê, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, sau đó có thể lan sang các khu vực lân cận khác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu và tan dần.

Thực hiện Công điện số 01/CĐ-QG hồi 16h ngày 30/5/2024 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; để chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới và mưa lớn có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi sát diễn biến của ATNĐ; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ.

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Lê Dung
Ý kiến của bạn