Hà Tĩnh: Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025

Địa phương
01:19 PM 16/06/2023

Tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ/TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoan 2021-2025; Quyết định số 04/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ngày 12/10/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; Công văn số 8050/BNN-VPĐP ngày 29/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 203 /KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2023-2025. 

Hà Tĩnh: Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 – 2025. - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải kiểm tra cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm OCOP tại thị trấn Phố Châu (Hương Sơn). Ảnh: BHT

Theo đó, mục đích của kế hoạch nhấn mạnh, cần triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đồng bộ, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa. Đồng thời khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Tích cực phát huy giá trị truyền thống, văn hoá của mỗi vùng miền. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân OCOP làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, để liên kết và  dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Từ đó tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP và thực tế tại địa phương. Mỗi đơn vị xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp để triển khai thực hiện. Chủ động và phối hợp, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó ưu tiên đưa nội dung Chương trình OCOP vào chương trình công tác trọng tâm hàng năm của địa phương, đơn vị để thực hiện có hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.  Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.  

Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,...).

Hà Tĩnh: Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 – 2025. - Ảnh 2.

Nước mắm Phú Khương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2021.

Xác định vai trò trọng tâm của chủ thể thực hiện là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương. Ưu tiên tập trung vào các nhóm sản phẩm gồm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Để thực hiện có hiệu quả, kế hoạch cũng đặt ra những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể,  trọng tâm và thiết thực. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tạo cảm hứng cho các chủ thể tham gia khởi nghiệp từ Chương trình OCOP. Tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp và các chủ thể tham gia thực hiện. Ưu tiên công tác phát triển sản phẩm, trong đó nâng cao giải pháp tổ chức triển khai chu trình OCOP hàng năm linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đặc điểm từng sản phẩm. 

Theo đó, Chu trình OCOP hàng năm được thực hiện theo 6 bước trên cơ sở nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng" và phải đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đặc điểm của từng sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm; khuyến khích các chủ đề ưu tiên gắn với kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm.

Hà Tĩnh: Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 – 2025. - Ảnh 3.

Hội đồng đánh giá, chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP huyện Lộc Hà năm 2023 kiểm tra quy trình, quy mô sản xuất sản phẩm mắm tôm Làng Xưa.

Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong thực hiện chương trình; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số; củng cố, hình thành, phát triển các hội OCOP; xây dựng và phát triển hệ thống đối tác OCOP; phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP...

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh có 217 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 11 sản phẩm 4 sao và 206 sản phẩm 3 sao. Đến thời điểm hiện tại, có 67 sản phẩm (gồm 3 sản phẩm 4 sao và 64 sản phẩm 3 sao) đã hết thời hạn sử dụng chứng nhận OCOP.

Lê Dung
Ý kiến của bạn