Hà Tĩnh: Tiềm năng mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi, cáy tại xã Yên Hồ

Địa phương
05:57 PM 04/01/2024

Mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi, cáy được người dân huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện trong những năm gần đây và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, địa phương hướng đến mục tiêu phát triển mô hình, và xây dựng sản phẩm OCOP rươi, cáy, gạo hữu cơ trên ruộng sinh thái.

Thừa kế và phát huy truyền thống cách mạng, vùng quê xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) không ngừng phấn đấu lao động sản xuất và xây dựng quê hương trong thời kỳ mới. Xã Yên Hồ đang "thay da đổi thịt" từng ngày với những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, vừa sáng tạo vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong đó mang lại hiệu quả rõ rệt nhất là mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi, cáy. Đây cũng là sản phẩm chất lượng cao mang lại thu nhập lớn cho người dân và hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Hà Tĩnh: Tiềm năng mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi, cáy tại xã Yên Hồ- Ảnh 1.

Người dân thu hoạch rươi

Rươi là món ăn đặc sản có hương vị đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao, loài này được coi là "lộc trời" đối với bờ hữu sông La. Bởi lẽ rươi chỉ xuất hiện ở những vùng cửa sông, có điều kiện phù hợp. Đặc biệt, rươi chỉ sống trong môi trường đất và nước thật sự sạch nên việc trồng lúa phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất lúa hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Chính vì những yêu cầu khắt khe này, mà người dân nơi đây đã vận dụng để thực hiện mô hình "Gạo trên ruộng rươi cáy". Sau những mùa vụ thử nghiệm, kết quả mang lại vượt cả sự mong đợi của người dân. Mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, cho ra sản phẩm nông sản sạch đạt năng suất và không ảnh hưởng đến chất lượng của rươi, cáy. Từ mô hình này đã góp phần tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy sự chuyển dịch phát triển kinh tế - xã hội của xã theo hướng tích cực, bền vững và hiệu quả.

Với kinh nghiệm 15 năm thực hiện trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi ở xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, ông Trần Văn Kỉnh cho biết: Có thể nói, gia đình tôi là một trong số ít những hộ dân ở đây tiên phong thực hiện mô hình trồng lúa trên ruộng rươi, cáy. Đất ruộng ở đây có độ tơi xốp, ít nước đọng, thích hợp cho rươi, cáy phát triển. Đây cũng là một ưu ái của tự nhiên dành cho vùng quê Yên Hồ, và gia đình tôi đã vận dụng những lợi thế này để thử sức với mô hình. Thật sự không nghĩ là lại đạt hiệu quả tốt như thế. Vừa cho sản phẩm lúa sạch, vừa đảm bảo năng suất rươi, cáy. Mang lại kinh tế cao hơn hẳn nếu chỉ trồng lúa hoặc chỉ nuôi rươi, cáy".

Hà Tĩnh: Tiềm năng mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi, cáy tại xã Yên Hồ- Ảnh 2.

Gia đình ông Trần Văn Kỉnh mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình trồng lúa trên ruộng rươi, cáy

Hiện nay, ngoài 15 ha đất thuê của xã để sản xuất, ông Kỉnh đầu tư thêm 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng; hơn 1,3 tỷ đồng mua máy làm đất, máy gặt, máy xay xát lúa để khép kín quy trình từ sản xuất đến chế biến. Bên cạnh đó, gia đình ông còn liên kết với Công ty TNHH Dịch vụ Bảo An HT bao tiêu sản phẩm gạo hữu cơ.

"Quy trình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy rất khắt khe. Đất phải làm 2 – 3 lần để đảm bảo bằng phẳng, tơi xốp, không để nước đọng. Đặc biệt, chỉ bón phân chuồng hoai mục, không bón trực tiếp phân tươi đề phòng rươi chết và tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật. Phải đảm bảo môi trường ruộng đất không có hoá chất, không có tạp chất ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lúa cũng như của rươi, cáy" - ông Kỉnh cho biết thêm.

Tính trên 1 sào ruộng được thu hoạch hai vụ mỗi năm, gia đình ông Kỉnh đạt gần 20 triệu đồng từ lúa và rươi, cáy. Con số này cao gấp 5 lần so với sản xuất lúa truyền thống.

Hà Tĩnh: Tiềm năng mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi, cáy tại xã Yên Hồ- Ảnh 3.

Rươi là thực phẩm giàu dinh dưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân ở xã Yên Hồ cho biết, mùa rươi rải rác quanh năm, nhưng tập trung vụ chính vào tháng 9 và tháng 10 Âm lịch. Mỗi đợt rươi lên chỉ kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Không phải ruộng nào cũng có rươi mà phải đáp ứng được các điều kiện như ruộng phải có nước lên, nước xuống, gọi là nước đảo chiều. Để đảm bảo ruộng có rươi sinh sống thì trong quá trình canh tác, sản xuất không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau nữa, đất ruộng phải có được độ phì, độ xốp để loài vật này vào sinh sôi, phát triển.

Rươi là loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều đạm và các loại muối khoáng như canxi, sắt, kẽm... Vì vậy đây cũng là nguồn thực phẩm được nhiều người ưa chuộng. Từ những hiệu quả đã đạt được của mô hình sản xuất này, UBND xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ và chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành cùng với bà con trong việc phát triển sản phẩm OCOP rươi, cáy, gạo hữu cơ trên ruộng sinh thái. Tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định tiếp tục mở rộng mô hình. Đồng thời, giúp tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy chuyển dịch sự phát kinh tế - xã hội của xã theo hướng tích cực, bền vững và hiệu quả.

Đỗ Việt - Ngọc Mai
Ý kiến của bạn
Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.