Hải Dương cần thêm 384.500 tỷ đồng thực hiện phát triển đô thị đến năm 2030
Sở Xây dựng Hải Dương dự kiến tổng ngân sách để thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030 là 384.500 tỷ đồng.
UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức họp phiên tháng 11 (lần 3) để nghe, thảo luận cho ý kiến vào nội dung báo cáo, tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tại phiên họp, Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh về hồ sơ điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt vào tháng 12/2017. Các quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã làm thay đổi định hướng, mục tiêu phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu chương trình trên toàn bộ tỉnh Hải Dương (tổng diện tích 1.668,28 km2), gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Phía bắc tiếp giáp các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh; phía nam tiếp giáp với tỉnh Thái Bình; phía tây tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; phía đông tiếp giáp với TP Hải Phòng.
Mục tiêu là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, các khu đô thị, khu nhà ở đồng bộ; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị Hải Dương theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững, nằm trong chuỗi đô thị động lực với vai trò chia sẻ, hợp tác, liên kết các chức năng trong vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.
Đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.
Đến năm 2050, Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng. Phát triển tỉnh Hải Dương gắn liền với 4 đặc điểm nổi bật: toàn diện - kết nối - bền vững - thịnh vượng.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, Hải Dương có 16 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%. Đến năm 2030 có 28 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 55%; dự kiến phấn đấu tỉnh Hải Dương đạt tiêu chí đô thị loại I và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tỉ lệ đô thị hóa trên 65%; tỉnh hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030 là 384.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2024 - 2025 cần khoảng 65.500 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 319.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng chủ trì xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cấp các đô thị, đặc biệt các đô thị thành lập sau năm 2030 để có lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực để tỉnh Hải Dương hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, đề xuất giải pháp chuẩn bị nguồn lực nâng cấp đô thị, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Nhấn mạnh việc phát triển đô thị tỉnh Hải Dương là nhiệm vụ có tính lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình suốt quá trình triển khai theo kế hoạch được phê duyệt.
Ngọc MỹThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.