Hải Dương: Có hay không việc khai thác khoáng sản trái phép ở Chí Linh?

Cùng bạn đọc
03:12 PM 26/07/2021

Lợi dụng việc lấy đất đồi để làm các tuyến đường, các đối tượng đã khai thác khoáng sản trái phép rồi vận chuyển bằng tàu đi tiêu thụ.

Tại Khu dân cư (KDC) Đông Xá, phường Văn Đức, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra thường xuyên khiến người dân vô cùng bức xúc. Họ cho rằng lợi dụng việc lấy đất xây dựng nông thôn mới, các đối tượng đã khai thác khoáng sản trái phép rồi vận chuyển xuống tàu mang đi tiêu thụ.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân địa phương, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có mặt tại điểm khai thác trên. Tại thời điểm quan sát, hình ảnh trước mắt là bãi khai thác khoáng sản rộng hàng nghìn m2, lớp đất đá đã bị đào bới nham nhở. Những lớp đất thải được chất đống cao như núi có nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào, ngoài ra còn tiềm ẩn nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Tiếp tục đi sâu vào vào bên trong, một hố sâu rộng hàng trăm m2 đã được đào bới lên để lộ ra những khoảng đất màu đen trông giống như một loại khoáng sản là than.

Hải Dương: Có hay không việc khai thác khoáng sản trái phép ở Chí Linh? - Ảnh 1.

Bãi đất thải chất đống cao như núi có nguy cơ sạt lở.

Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Nguyễn Quang Xá, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Đức cho rằng tại khu vực đó không có việc khai thác than bởi địa phương đã cấm triệt để từ năm 2008.

"Khu vực đó là núi Đại Hàn trước đó thuộc khu vực khai thác hầm lò của mỏ than Cổ Kênh. Trong những năm gần đây, nhân dân lấy đất làm nông thôn mới rồi lấy đất làm nghĩa trang của KDC Đông Xá. Đất đấy nhìn tưởng là than nhưng thực chất là đất có màu đen. Đầu năm Công an tỉnh đã về lấy đất mang đi thử nhiệt nhưng không phải than, nếu không tin các anh cứ mang đi thử nhiệt là biết", ông Xá cho hay.

Trước câu hỏi của PV, khu vực khai thác là thuộc đất của hộ gia đình nào thì ông Xá thông tin một phần là giao cho ông Nguyễn Văn Chuyên sau đó ông Chuyên tự cá nhân mua bán chuyển nhượng sang cho người khác. Ngoài ra, đất ở phía trên do Lâm nghiệp quản lý, bên dưới là đất rừng sản xuất địa phương quản lý.

"Địa phương đã lập biên bản dừng không cho vận chuyển lấy đất và gia đình trồng cây khắc phục. Về lấy tài liệu biên bản, thì cho thời gian vì cái này là do cán bộ chuyên môn quản lý. Đầu năm 2021, chúng tôi kết hợp thành phố về kiểm tra, ngăn chặn", ông Xá cho biết thêm.

photo-1625882990646

Báo cáo của UBND TP. Chí Linh gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường về vụ việc trên.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 4/6/2021, UBND TP. Chí Linh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm tra, xác minh thông tin người dân phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Bến Mú, KDC Đông Xá, phường văn Đức, TP. Chí Linh, Hải Dương. 

Tại văn bảo báo cáo có nêu: Thông tin phản ánh của người dân về một số đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực thôn Đông Xá và thôn Kênh Mai diễn ra là có cơ sở. Tuy nhiên thời điểm chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực từ ngày 4/3/2021, chính quyền địa phương, thành phố và các ngành chức năng đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý nghiêm các vi phạm tại khu vực này.

photo-1625882992952

Khu vực khai thác nham nhở gây ô nhiễm môi trường.

Do đặc thù khu vực bến Mú, KDC Đông Xá như đã nêu trên là nơi khai thác than của mỏ than Cổ Kênh để lại, khu vực mỏ này trước đây đã có thời gian khai thác than thổ phỉ kéo dài, khối lượng đất đồi và than, xít than thổ phỉ đã lấy đi là không thể xác định được, mặt bằng để lại không thể bằng phẳng, có những điểm đã khai thác lộ thiên có chiều sâu rất lớn…, nên rất khó khăn trong xác định khối lượng, ranh giới vi phạm khai thác khoáng sản trái phép đã xảy ra trong thời gian vừa qua. 

Mặt khác, nhu cầu đất san lấp để thực hiện các hạng mục công trình nông thôn mới, chỉnh trang đô thị tại địa phương trước đây và làm nghĩa trang hiện nay lấy tại khu vực này là tương đối nhiều. Một số điểm vẫn có nguy cơ gây sạt lở do ảnh hưởng từ việc khai thác trái phép để lại cũng cần được các cấp, các ngành xem xét, xử lý trong thời gian tới để đảm bảo an toàn cho công trình và người dân hiện đang sinh sống gần khu vực này.

photo-1625882993810

Hiện trường để lại là hố sâu khai thác rộng hàng trăm m2 có chiều sâu rất lớn

Ông Lương Quang Phương – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Chí Linh cho biết: "Đấy không phải là than mà là đất đen trên mặt họ bới lên, chỗ đó phải đào sâu 80m mới lấy được than. Vừa rồi, xã có hợp đồng với đơn vị đổ đất vào nghĩa trang, trong quá trình có tận dụng mang đi một ít. Cơ quan chức đăng đã cho khắc phục, san lấp trồng cây. UBND phường đã lập hồ sơ xử lý và lưu trữ, kể cả Công an tỉnh cũng lập hồ sơ chuyển về cho phường xử lý".

Rõ ràng, hệ lụy của việc khai thác khoáng sản trái phép để lại là rất lớn, việc xác định khối lượng và ranh giới phạm khi khai thác là rất khó khăn. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ hơn nữa trong việc khai thác khoáng sản.

Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiêp thị sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.