Hải Dương kết nối xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu năm 2021
Sáng 18/5, tại Hội trường Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (đường Tôn Đức Thắng, Tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và PTNT, cùng với một số sở ban ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị Kết nối xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Đơn vị Trung ương trực tiếp thực hiện là Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương.
Trong lễ khai mạc sáng 18/5, hội nghị diễn ra nhiều hoạt động: Khởi động "Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên Sàn Thương mại điện tử (TMĐT)" thuộc Chương trình XTTM quốc gia; Ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn TMĐT giữa đại diện các sàn thuộc Chương trình XTTM quốc gia với cơ quan quản lý nhà nước; Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các sàn TMĐT với đại diện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất vải thiều và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Hải Dương nổi tiếng với sản phẩm vải thiều Thanh Hà, được sản xuất từ giống vải thiều bản địa, được trồng và chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Sách xưa đã viết "Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn thấy hương thơm tưởng như thử rượu tiên trên đời".
Để giữ gìn giống quý, duy trì chất lượng, thương hiệu của vải thiều và phát huy tốt nhất những lợi thế ưu đãi sẵn có về thổ nhưỡng, tỉnh Hải Dương đã xác định cây vải Thiều là cây trồng có giá trị kinh tế cao, khẳng định vị thế, vai trò là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân.
Theo thống kê năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Hải Dương đạt 21.365 ha, trong đó có 420 ha diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, số hộ tham gia vùng sản xuất VietGAp là 2.596 hộ. Tổng sản lượng cây ăn quả toàn tỉnh đạt 258.594 tấn. Trong đó, diện tích trồng vải thiều là 9.168 ja, sản lượng vải quả đạt 43.000 tấn, năng suất vải đạt 47,15 tạ/ha. Diện tích trồng nhãn 2.136 ha, sản lượng 9.491 tấn; ổi 2.301 ha, sản lượng 67.339 tấn; na 1.017 ha, sản lượng 15.215 tấn; bưởi 747 ha, sản lượng 10.852 tấn; cam 606 ha, sản lượng 9.311 tấn; thanh long 350 ha, sản lượng 3.392 tấn; chuối 2.531 ha, sản lượng 65.324 tấn.
Kết quả tiêu thụ năm 2020 của nông sản Hải Dương, thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu thông qua hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, các chợ đầu mối hoa quả ở Tp.Hà Nội, TP.HCM đạt trên 169.000 tấn, chiếm 65% tổng sản lượng. Thị trường xuất khẩu phần lớn vào thị trường Trung Quốc đạt 7.000 tấn, chiếm 85% tổng lượng xuất khẩu, các thị trường khác (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Pháp, Malaysia, Phillipine, Thái Lan, Mhyx., Thụy Điển, Austraylia, Singapore, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… đạt 13.594 tấn, chiếm 15% trong tổng lượng xuất khẩu.
Năm 2020, giá trị sản xuất nông sản toàn tỉnh Hải Dương (theo giá thực tế) đạt 3.112 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất vải quả đạt 1.166 tỷ đồng.
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 18/5 đến 20/5/2021. Trong khuôn khổ hội nghị có tổ chức các phiên giao thương theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu trong nước và nước ngoài. Dự kiến với 25 điểm cầu của các quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó bao gồm điểm cầu chính tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (Tp. Hải Dương), 5 điểm cầu tại các tỉnh thành phố (Hà Nội, Tp.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai), 19 điểm cầu tại 11 quốc gia: Trung Quốc (8 điểm), Mỹ (2 điểm), Pháp, Đức, Anh, Úc, Bỉ, Hà Lan, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc). Ngoài ra còn có gần 30 điểm cầu phụ kết nối tham dự hội nghị qua điện thoại, máy tính với gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam về vải thiều và các sản phẩm nông sản.
Đáng chú ý, trong các điểm cầu trong nước sẽ có sự tham dự Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương, các cơ quan đại diện quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, tổng lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, kênh phân phối…
Các điểm cầu nước ngoài sẽ có sự tham dự của các Đại sứ quán Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam, các tham tán Việt Nam và một số cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, một số sàn TMĐT lớn có quy mô hoạt động toàn cầu của nước ngoài, một số tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, các nhà nhập khẩu cũng như đối tác lớn của nước ngoài.
Mục đích hội nghị tổ chức nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hải Dương tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng liên doanh, liên kết trong tiêu thụ quả vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của tỉnh Hải Dương, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 trong nước cũng như nước ngoài diễn biến khó lường. Điểm mới nữa, đây là lần đầu tiên hội nghị thu hút sự tham dự đông đảo nhất các tham tán Việt Nam tại nước ngoài tham gia hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là hội nghị có số lượng lớn các nhà nhập khẩu cũng như đối tác nước ngoài tham dự. Hội nghị này lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, phối hợp với các sàn TMĐT, đưa vải thiều và nông sản của tỉnh Hải Dương lên sàn, ứng dụng thí điểm truy suất nguồn gốc sản phẩm theo chương trình của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương).
Ngoài ra, hội nghị còn có các phiên giao thương diễn ra liên tục từ chiều ngày 18/5 đến hết ngày 20/5. Trong đó, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức chương trình kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp cung ứng vải thiều và nông sản tỉnh Hải Dương với các nhà nhập khẩu tiềm năng trên thế giới, bao gồm cả những đầu mối ở các thị trường xuất khẩu vải truyền thống của Hải Dương và những thị trường tiềm năng mới.
Thu TrangCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.