Hải Dương là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI

Địa phương
07:36 PM 15/11/2023

Những năm gần đây, Hải Dương tích cực cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương) từ đầu năm đến ngày 12/11, các khu công nghiệp trong tỉnh thu hút 889,16 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt gần 4,5 lần kế hoạch năm.

Để có kết quả như trên, thời gian qua UBND tỉnh Hải Dương cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong quy trình giải quyết các thủ tục hành chính. Việc cấp phép đầu tư cho các dự án mới đã được rút ngắn xuống còn từ 5-10 ngày thay vì 15 ngày theo quy định, 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn.

Các cơ quan, ban, ngành chức năng trên địa bàn Hải Dương cũng thường xuyên phối hợp, tìm phương hướng, giải pháp, nhanh chóng kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Hải Dương là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI- Ảnh 1.

Các khu công nghiệp Hải Dương thu hút khá tốt doanh nghiệp FDI. Ảnh: Internet

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 771,39 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 26 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 117,77 triệu USD. Trong đó có một số khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án FDI mới là Đại An mở rộng, An Phát 1, Lương Điền - Cẩm Điền, Lai Cách…

Những dự án FDI mới chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến, điện, điện tử đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường.

Số vốn đầu tư từ nước ngoài đa phần đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á (90%), còn lại từ các nước châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong tỉnh Hải Dương với tỷ lệ 40% tổng vốn đăng ký, theo sau đó là Nhật Bản (16,3%).

Vốn FDI từ Hàn Quốc chiếm 15,4% - đứng thứ ba và Đài Loan đứng thứ tư (7,8%). Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương đã thu hút 278 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,87 tỷ USD. Đáng chú ý, cùng với số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến với địa phương tăng mạnh, hiện Hải Dương có 15 dự án FDI do kiều bào đầu tư với tổng vốn 45 triệu USD. Trong số này có 1 dự án ngoài khu công nghiệp và 14 dự án trong khu công nghiệp, đầu tư ở các lĩnh vực may mặc, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Một số điển hình như Công ty TNHH Home Deco Việt Nam của Việt kiều Canada đầu tư dự án sản xuất chăn, ga, gối đệm với tổng vốn 1,6 triệu USD. Còn lại 14 dự án do Việt kiều Anh đầu tư với các dự án may mặc, xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài ngoài dự án may mặc 650.000 USD còn đầu tư dự án khu công nghiệp Phú Thái khoảng 19 triệu USD…

Theo tổng kết của UBND tỉnh Hải Dương, trong những năm qua vốn FDI luôn chiếm từ 35% - 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh. Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, là thành tố quan trọng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trong quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trong mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 của Hải Dương sẽ tăng ngồn cung bất động sản công nghiệp chất lượng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, giai đoạn 2021 - 2030, địa phương này sẽ phát triển tiếp 15 KCN, 50 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 10.000 ha. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại vị trí chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với tổng diện tích 10.000 ha. Trong đó, có 5.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics.

Thời gian tới, để thúc đẩy việc thu hút, nâng cao hiệu quả khai thác và phát huy tối đa nguồn vốn FDI, tỉnh Hải Dương xác định ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất đai, thân thiện với môi trường.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.