Hải Dương: Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 12/6

Địa phương
05:30 AM 11/06/2024

Dự kiến sáng ngày 12/6, tại vùng cải tạo hữu cơ trong đồng thôn An Định, xã An Thanh là địa điểm tổ chức lễ hội lúa rươi hữu cơ vụ xuân 2024. Đây là năm thứ 3 liên tiếp huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương tổ chức hoạt động này.

Theo UBND huyện Tứ Kỳ, lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ vụ xuân năm 2024 dự kiến được tổ chức vào ngày 12/6. Lễ hội lúa rươi hữu cơ vụ xuân 2024, nhằm duy trì, bảo tồn, phát huy truyền thống, tôn vinh giá trị văn hoá, khơi gợi niềm tự hào về thành quả lao động trong sản xuất, nét đẹp trong sinh hoạt của người dân vùng nông nghiệp, nông thôn, vùng sản xuất nông sản hữu cơ an toàn trong toàn huyện.

Dự kiến thành phần tham dự khoảng 200 người, gồm đại biểu của Trung ương, của tỉnh; đại biểu các huyện, thành phố, thị xã; đại biểu doanh nghiệp; đại biểu của huyện, các xã có vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy và xã An Thanh, các chủ thể OCOP tham gia trưng bày sản phẩm; các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh.

Hải Dương: Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 12/6- Ảnh 1.

Bà con nông dân tham gia phần thi gặt lúa hữu cơ trong lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ, Hải Dương những năm trước. (Ảnh internet)

Nét mới trong lễ hội lúa rươi hữu cơ năm nay là tổ chức thi nấu mâm cơm đặc sản hữu cơ có 3 đội tham gia, đại diện cho 3 thôn trong xã An Thanh. Tại lễ hội sẽ diễn ra ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; tổ chức thi nấu mâm cơm đặc sản hữu cơ; tổ chức hội thi gặt lúa hữu cơ; cắt băng xuất bán lúa hữu cơ bãi rươi.

Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ nhằm giới thiệu quảng bá chất lượng, thương hiệu và kích cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu các sản phẩm nông sản hữu cơ của địa phương. Đây cũng là dịp giới thiệu tiềm năng, lợi thế và chính sách khuyến khích, ưu đãi của huyện Tứ Kỳ trong thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, trái nghiệm.

Rươi là một đặc sản nổi tiếng của huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Đến nay, tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của huyện này lên tới 550 ha. Sản lượng rươi đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm, lúa 3.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 - 10 lần so với thâm canh vô cơ.

Hiện toàn huyện có 34 sản phẩm được chứng nhận OCOP; bao gồm 7 sản phẩm OCOP 4 sao và 27 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó có 12 sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi Hải Nam, mọc rươi Hải Nam, niêu rươi đốt Hà Tiến, chả rươi Hà Tiến, nem rươi Hà Tiến, rươi cấp đông Hà Tiến, rươi đốt Tuấn Viên, chả rươi Tuấn Viên, gạo bãi rươi An Thanh và gạo nếp cái hoa vàng Quang Trung.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD 9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD

Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...