Hải Dương: Phấn đấu đến năm 2030 thuộc top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về quy mô kinh tế
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành nghị quyết để hiện thực hóa, sớm đưa Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào thực tiễn địa phương.
Tỉnh Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, giáp Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Nhiều năm qua, tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và tăng cường kết nối liên tỉnh; phát triển đô thị bước đầu đạt kết quả tích cực, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra, diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc rõ nét. Hoạt động hợp tác với các tỉnh trong vùng gần đây ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, liên kết ngày càng chặt chẽ hơn. Tỉnh đã ký kết văn bản hợp tác với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình.

Mục tiêu chung đến năm 2030 là phát triển tỉnh Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hướng đến là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về quy mô kinh tế của cả nước
Tuy nhiên theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương thì kinh tế của tỉnh tăng trưởng chưa bứt phá, cơ cấu thu ngân sách của Hải Dương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển còn hạn chế, cải cách hành chính của tỉnh còn nhiều điểm nghẽn; môi trường đầu tư, kinh doanh trên một số lĩnh vực chậm được cải thiện; chưa thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Tiến độ thực hiện một số công trình kết nối vùng còn chậm...
Để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, từ nay đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hướng đến là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về quy mô kinh tế của cả nước. Tăng trưởng GRDP đạt bình quân trên 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2030 đạt 48%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm; đạt 40,5 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân; tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99%. Số hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị và nông thôn đạt 100%. Tất cả 100% khu công nghiệp và các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%.
Đến năm 2045, phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phấn đấu đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, có quy mô kinh tế lớn, cơ cấu kinh tế phù hợp, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng Sông Hồng; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tăng trưởng GRDP đạt bình quân trên 9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng/năm. Kinh tế số đạt khoảng 20% GRDP. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp mầm non đạt 70%, tiểu học đạt 98,7%, THCS đạt 95%, THPT đạt 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị và nông thôn đạt 100%...
Các mục tiêu đến năm 2030 cũng được xác định cụ thể trong nghị quyết. Nghị quyết xác định các công trình trọng điểm: Phấn đấu huy động nguồn lực để cùng Trung ương đầu tư tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương; đầu tư khu công nghiệp chuyên biệt ở khu vực các huyện Bình Giang và Thanh Miện để góp phần phát triển tỉnh Hải Dương trở thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, nghị quyết đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Đó là quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện nghị quyết; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển bền vững hệ thống đô thị và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Ngọc Mỹ
Dù vẫn là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nhưng vị trí Top 5 đã có những thay đổi đáng chú ý.